EU trước yêu cầu cải tổ ngân sách

Mức nợ công cao do đại dịch Covid-19, chi phí lớn nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi sang nền kinh tế 'xanh' đang đặt ra nhiều thách thức về tài chính cho Liên minh châu Âu (EU). Trong bối cảnh đó, EU vừa khởi động cuộc tham vấn về việc cải cách lần thứ tư những quy định liên quan ngân sách của các quốc gia thành viên, được nêu trong Hiệp ước ổn định và tăng trưởng.

Một công ty phát triển công nghệ sạch ở Đức. Ảnh REUTERS

Một công ty phát triển công nghệ sạch ở Đức. Ảnh REUTERS

Được thống nhất vào năm 1997, Hiệp ước ổn định và tăng trưởng đặt ra giới hạn đối với việc vay nợ của chính phủ các nước EU, nhằm bảo đảm các quốc gia thành viên giữ kỷ luật ngân sách, qua đó bảo vệ giá trị của đồng euro. Hiệp ước được xây dựng dựa trên hai nguyên tắc quan trọng là đặt mức trần đối với thâm hụt ngân sách và nợ công của một quốc gia thành viên. Theo đó, chính phủ các nước EU phải duy trì mức thâm hụt ngân sách dưới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ công dưới 60% GDP.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc EU xem xét sửa đổi những quy định về ngân sách nêu trên là cần thiết. Giám đốc điều hành Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) Klaus Regling nhận định, mục tiêu duy trì mức nợ công dưới 60% GDP không còn phù hợp. Thời gian qua, những sóng gió do Covid-19 mang đến đã khiến con tàu kinh tế EU chao đảo, buộc chính phủ các nước phải bơm các gói cứu trợ tài chính khổng lồ để chống dịch, cứu các doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản, hỗ trợ phục hồi kinh tế... Nhưng chính vì thế lại tạo thành những gánh nặng nợ công ngày càng đè nặng lên vai các quốc gia thành viên. Mức nợ công của Hy Lạp thậm chí vượt ngưỡng 200% GDP và của Italia chạm mốc 160% GDP. Nợ công trung bình của các nước Khu vực đồng euro (Eurozone) hiện đã lên tới khoảng 100% GDP, trong khi con số này vào đầu những năm 1990, khi các quy định về ngân sách được soạn thảo, chỉ từ 60 đến 70% GDP. Vì vậy, việc yêu cầu cắt giảm nợ theo quy định được cho là không khả thi đối với các quốc gia đang gánh núi nợ công cao như Italia và Hy Lạp. Việc sửa đổi các quy định trong Hiệp ước ổn định và tăng trưởng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nỗ lực phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch, đồng thời mở ra một lộ trình giảm nợ công khả thi cho một số nước.

Bên cạnh đó, EU dự kiến sẽ phải chi hàng trăm tỷ euro để hiện thực hóa mục tiêu tham vọng là giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính về mức 0 vào năm 2050. Các nhà phân tích cho rằng, các quy định về ngân sách cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để chính phủ các nước thành viên triển khai những chính sách phù hợp với mục tiêu này. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đề xuất, khi tính toán mức thâm hụt ngân sách của các quốc gia thành viên, EU có thể xem xét miễn trừ các khoản đầu tư nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế "xanh".

Hiệp ước ổn định và tăng trưởng đã được sửa đổi ba lần, lần lượt vào các năm 2005, 2011 và 2013. Việc xem xét lại Hiệp ước lần này dự kiến sẽ được hoàn thành sớm nhất vào cuối năm 2022. Giới phân tích cho rằng, quá trình này sẽ là một thử thách đối với tinh thần đoàn kết của EU khi các nước vẫn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề ngân sách, đặc biệt là giữa các nền kinh tế Bắc Âu với chủ trương thắt chặt chi tiêu và các quốc gia Nam Âu vốn đang nặng gánh nợ công.

Từ tháng 3 năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ, EU đã tạm thời đình chỉ quy định về giới hạn thâm hụt ngân sách trong Hiệp ước ổn định và tăng trưởng, nhằm tạo điều kiện để chính phủ các nước EU tự do chi tiêu cho hoạt động chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy nền kinh tế phục hồi. EU hy vọng sẽ hoàn tất quá trình xem xét lại Hiệp ước này trước khi giai đoạn đình chỉ nêu trên kết thúc vào năm 2023.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/eu-truoc-yeu-cau-cai-to-ngan-sach-671116/