EU và Canada cảnh báo đáp trả chính sách thuế nhôm, thép của Mỹ

Ngày 11/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã ra tuyên bố lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ tăng thuế nhôm, thép nhập khẩu từ 10% lên 25%, dự kiến chính thức có hiệu lực từ ngày 4/3.

Vận chuyển thép cuộn. Ảnh minh họa: REUTERS/TTXVN

Vận chuyển thép cuộn. Ảnh minh họa: REUTERS/TTXVN

Tuyên bố của bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh đến việc cần đảm bảo mức thuế quan công bằng, theo đó EU sẽ có biện pháp đáp trả.

Trong tuyên bố cùng ngày, Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Maros Sefcovic cảnh báo Mỹ sẽ làm gia tăng lạm phát với chính sách tăng thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu. Ông Sefcovic cho biết việc tăng thuế đáp trả lẫn nhau sẽ không mang lại lợi ích cho cả hai bên và EU vẫn cam kết tìm kiếm một giải pháp cùng có lợi với Mỹ càng sớm càng tốt.

Goldman Sachs ước tính rằng các mức thuế mới của Washington có thể ảnh hưởng đến 40% hàng xuất khẩu của châu Âu sang Mỹ, tương đương khoảng 1% Tổng sản phẩm quốc nội của EU.

Từ Canada, Thủ tướng Justin Trudeau cũng phản đối chính sách thuế mới của Mỹ đối với nhôm, thép nhập khẩu, cho rằng mức thuế này là không thể chấp nhận. Nhà lãnh đạo Canada nêu bật những hệ lụy từ chính sách tăng thuế nhôm, thép của Mỹ và khẳng định Ottawa chắc chắn sẽ có những phản ứng mạnh mẽ và rõ ràng.

Về phía Hàn Quốc, ngày 11/2, Bộ trưởng Thương mại nước này Cheong In Kyo cho rằng chính sách thuế mới của Mỹ sẽ làm giảm nhu cầu thép tại Mỹ và ảnh hưởng đến lợi nhuận của các nhà xuất khẩu thép Hàn Quốc. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh tích cực, ông Cheong In Kyo cho rằng động thái này có thể tạo cơ hội để các công ty Hàn Quốc tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Ông cho biết thêm Hàn Quốc sẽ xem xét tích cực khả năng đàm phán về thuế quan với Mỹ.

Ngày 10/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh nâng thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu từ 10% lên 25% mà không có ngoại lệ và miễn trừ. Mức thuế này sẽ được áp dụng từ ngày 4/3.

Việc tăng thuế đối với các hàng hóa nhập khẩu là một trong những chủ trương cứng rắn mà chính quyền Tổng thống Donald Trump theo đuổi nhằm cân bằng cán cân thương mại mà người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng Washington đang chịu “thua thiệt” với các nước đối tác. Tuy nhiên, việc làm này đã làm dấy lên lo ngại làm bùng nổ chiến tranh thương mại, gây nhiều hệ lụy cho kinh tế toàn cầu.

Trong diễn biến liên quan, từ Thái Lan, người phát ngôn chính phủ nước này, ông Jirayu Houngsub cho biết Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã yêu cầu nghiên cứu tác động tiềm tàng của chính sách thương mại Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Thái Lan để chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó thích hợp.

Theo Bộ Thương mại Thái Lan, năm ngoái Thái Lan có thặng dư 35,4 tỷ USD với Mỹ. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Thái Lan, chiếm 18,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tương đương 54,96 tỷ USD. Tháng 1 vừa qua, Thái Lan đã thành lập một nhóm công tác về thương mại với Mỹ để hoạch định chính sách thương mại giữa 2 nước. Ông nói thêm rằng nhóm này sẽ khẩn trương tổng kết các mặt lợi và hại cho đàm phán thương mại và đầu tư.

Hội đồng Đầu tư Thái Lan đang lên kế hoạch thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bán dẫn, bo mạch in và điện tử, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tái diễn. Hội đồng này đặt mục tiêu thu hút khoảng 500 tỷ baht (14 tỷ USD) đầu tư mới vào ngành bán dẫn từ nay đến năm 2029.

Trong khi đó, Tập đoàn Michelin của Pháp, nhà sản xuất lốp xe hàng đầu thế giới, đang cân nhắc mở rộng đầu tư vào Mỹ do các mức thuế mới do Washington áp đặt.

Giám đốc điều hành Michelin Florent Menegaux cho biết Michelin sẽ theo dõi thông tin về các mức thuế mới trước khi đưa ra quyết định đầu tư, nhưng cho biết công ty không còn có thể xuất khẩu từ châu Âu. Vào cuối năm 2024, tập đoàn đã thông báo sẽ đóng cửa hai nhà máy ở Pháp, nơi đang sử dụng 1.254 người lao động. Michelin hiện có khoảng 30 nhà máy ở Mỹ và Canada, dự kiến công bố kết quả kinh doanh vào ngày 12/2.

Lan Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/eu-va-canada-canh-bao-dap-tra-chinh-sach-thue-nhom-thep-cua-my-20250211172737649.htm