EU và Mỹ tìm biện pháp giảm căng thẳng thương mại

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Olof Gill tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng thảo luận các vấn đề thương mại, trong đó có năng lượng, với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Trước đó, ông Trump đe dọa đánh thuế hàng hóa EU nếu khối này không nhập khẩu thêm dầu và khí đốt của Mỹ để giảm thặng dư thương mại với Mỹ.

Một khu dự trữ khí đốt ở Đức. Ảnh: REUTERS

Một khu dự trữ khí đốt ở Đức. Ảnh: REUTERS

Giải pháp đối thoại

Phát biểu với báo giới, ông Gill nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng thảo luận với Tổng thống đắc cử Trump về cách thức chúng tôi có thể củng cố mối quan hệ vốn đã bền chặt, trong đó có việc thảo luận về lợi ích chung trong lĩnh vực năng lượng”. Tuyên bố trên được ông Gill đưa ra sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump cảnh báo trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social về khả năng áp thuế EU nếu khối này không mua thêm dầu và khí đốt của Mỹ. Ông Trump cho rằng EU phải bù đắp khoản thâm hụt khổng lồ của mình với Mỹ thông qua việc mua dầu và khí đốt với số lượng lớn. Nếu không, khối này sẽ phải đối mặt với việc áp đặt thuế.

Đáp lại, EU nhấn mạnh dù ghi nhận thâm hụt thương mại hàng hóa với EU, song Mỹ lại đạt thặng dư trong dịch vụ. Theo Eurostat, trong năm 2023, thâm hụt thương mại hàng hóa giữa Mỹ và EU là 155,8 tỷ EUR (162,51 tỷ USD), song lại đạt thặng dư 104 tỷ EUR trong dịch vụ. Cảnh báo áp thuế của Tổng thống đắc cử Trump đã khiến thị trường chứng khoán châu Âu chao đảo, với chỉ số liên châu Âu STOXX 600 giảm 0,88% khi chốt phiên giao dịch ngày 20-12.

Những lời dọa áp thuế của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với EU cũng khiến các công ty và chính phủ trên khắp châu Âu bất ổn. Theo New York Times, Chính phủ Pháp và Đức đang trong giai đoạn khó khăn do các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Áo và Bỉ đang khó khăn để hình thành liên minh cầm quyền sau cuộc bầu cử gần đây. Vì vậy, ứng phó chung của EU với Mỹ vẫn chưa hình thành cụ thể.

EU trong thế khó

Các nhà kinh tế cảnh báo rằng căng thẳng thương mại nói chung gây tổn hại cho tất cả các bên liên quan, làm tắc nghẽn trao đổi hàng hóa và dịch vụ và làm giảm tăng trưởng kinh tế. Nhưng sự suy yếu của nền kinh tế EU kể từ khi đại dịch Covid-19, kèm tình hình chính trị chưa rõ ràng có thể khiến châu Âu đặc biệt dễ bị tổn thương vào lúc này. Bất kỳ mức thuế quan trừng phạt nào cũng đều gây nguy hiểm cho mối quan hệ thương mại lớn nhất đối với cả Mỹ và EU. Hai bên đã giao dịch hơn 1,5 ngàn tỷ USD hàng hóa và dịch vụ vào năm 2023.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Mỹ đã áp thuế thép và nhôm từ các nước châu Âu, cam kết giảm thâm hụt thương mại nhưng hiện khoảng cách thâm hụt ngày càng lớn. Ngoài ra, EU cũng lo ngại bất kỳ sự leo thang nào trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có thể chuyển hướng làn sóng xuất khẩu giá rẻ từ Mỹ sang EU.

Theo một nhà ngoại giao cấp cao của EU, lãnh đạo khối đang thảo luận về các sản phẩm của Mỹ có khả năng bị áp thuế trả đũa. Một trong những lựa chọn là hành động như đã làm trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump năm 2018, khi EU áp dụng thuế quan trả đũa đối với 3,2 tỷ USD hàng hóa do các công ty sản xuất tại các khu vực mà ông Trump có sự ủng hộ mạnh mẽ, chẳng hạn như thuế quan đối với xe máy của Harley-Davidson, có trụ sở tại bang Wisconsin và các sản phẩm khác như rượu, bài tây và nước cam.

KHÁNH MINH tổng hợp

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/eu-va-my-tim-bien-phap-giam-cang-thang-thuong-mai-post774271.html