EU xem xét thúc đẩy loại bỏ nhiên liệu hóa thạch trước COP28
Các quan chức EU cho biết mục đích là giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các ưu tiên ngoại giao của khối trước COP28, dự kiến diễn ra vào ngày 30/11 tại Dubai, UAE.
Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) có thể tìm kiếm sự hỗ trợ cho một thỏa thuận nhằm giảm dần nhiên liệu hóa thạch trước khi diễn ra các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc trong năm nay.
Thỏa thuận tại Hội nghị các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27) bao gồm việc thiết lập một quỹ dành cho các quốc gia bị tổn hại bởi biến đổi khí hậu.
Điều này đã khiến một số người thất vọng vì không bao gồm nội dung do Ấn Độ đề xuất ban đầu về việc giảm dần việc sử dụng tất cả các nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.
Các nhà ngoại giao EU đang đi đến giai đoạn kết thúc các vòng đàm phán để cho họ hướng đi ngoại giao về vấn đề biến đổi khí hậu trong năm nay.
Một thỏa thuận nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi khỏi cái gọi là nhiên liệu hóa thạch không suy yếu (chỉ các loại nhiên liệu phải đốt cháy mà không sử dụng công nghệ để thu khí thải dẫn tới tình trạng Trái Đất nóng lên) đã được lên ý tưởng.
Dự thảo của thỏa thuận này nêu rõ: "Mặc dù khí tự nhiên có vai trò trong quá trình chuyển đổi, nhưng việc chuyển đổi sang nền kinh tế hài hòa với khí hậu đòi hỏi mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch không suy yếu phải đạt "đỉnh" trong thời gian tới. EU sẽ thúc đẩy một cách có hệ thống động thái toàn cầu hướng tới các hệ thống năng lượng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch chưa suy giảm trước thời hạn năm 2050."
Các quan chức EU cho biết mục đích là giảm dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các ưu tiên ngoại giao của khối trước COP28, dự kiến diễn ra vào ngày 30/11 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Bộ trưởng Ngoại giao các nước đặt mục tiêu thông qua kết luận cuối cùng trong tháng này.
Các quốc gia đã đồng ý tại COP26 diễn ở Glasgow (Anh) vào năm 2021 về việc giảm dần việc sử dụng than đá, loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất.
Đề xuất tại COP27 của Ấn Độ nhằm mở rộng nỗ lực đó cho tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch đã nhận được sự ủng hộ từ hơn 80 chính phủ, bao gồm cả các nước EU, nhưng bị Saudi Arabia và các nước giàu dầu khí khác phản đối.
Một số quan chức và nhà hoạt động cho biết, họ lo ngại sự phản đối tương tự có thể diễn ra trong năm nay tại COP28, được tổ chức bởi UAE, một nhà sản xuất dầu thuộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Các nhà khoa học của Liên hợp quốc cho biết, thế giới phải giảm đáng kể việc sử dụng năng lượng nhiên liệu hóa thạch trong thập kỷ này để tránh những tác động tàn khốc nhất của biến đổi khí hậu.
EU cũng có kế hoạch cập nhật mục tiêu cắt giảm khí thải năm 2030 theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và đặt mục tiêu mới cho năm 2040 để hướng dẫn các quốc gia hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050./.