Euro mất giá kỷ lục: Thêm gánh nặng cho kinh tế châu Âu
Euro - đồng tiền chung của châu Âu vừa trải qua 'cú sốc' lớn khi tỷ giá của nó lần đầu tiên trong vòng 20 năm giảm xuống mức ngang bằng với đồng USD. Sự trượt giá này sẽ tạo thêm gánh nặng, làm gia tăng nguy cơ một cuộc suy thoái nhanh và trầm trọng hơn đối với các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng tồi tệ ở Lục địa già.
Lạm phát tăng kỷ lục đối với 19 quốc gia sử dụng đồng euro do cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu.
Tỷ giá hối đoái của đồng euro đã giảm trong nhiều tháng và hiện ở mức tương đương với đồng USD lần đầu tiên kể từ cuối năm 2002. Một năm trước, 1 euro bằng 1,20 USD và vào đầu năm 2022, nó đã giảm xuống 1,13 USD. Kể từ đó, đồng euro tiếp tục sụt giảm và đến ngày 12-7, đồng euro giao dịch ở mức thấp khoảng 1,0007 USD/euro.
Sự suy giảm này xuất phát từ sự gián đoạn kinh tế do đại dịch Covid-19, cuộc xung đột ở Ukraine cũng như sự mạnh lên của đồng USD so với các loại tiền tệ khác. Sức mạnh của đồng USD được thúc đẩy bởi việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và thắt chặt định lượng để chống lạm phát lên tới 9,1% hồi tháng 6, khiến các khoản đầu tư vào đồng USD trở nên hấp dẫn hơn. Tác động tổng hợp của các yếu tố này đang tạo ra gánh nặng kinh tế to lớn cho Eurozone và phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu.
Sushanta Mallick, Giáo sư tài chính quốc tế tại Đại học Queen Mary (London, Anh), nhận định trên trang Al Jazeera: “Lạm phát trong Eurozone trung bình là 8,6% trong tháng 6. Xu hướng tăng này do giá năng lượng cao hơn vì cuộc xung đột Nga - Ukraine”. Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ ít bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột ở Ukraine, nên đến nay Mỹ vẫn “miễn nhiễm phần nào với sự biến động của thị trường dầu khí, do họ có nguồn dự trữ dầu và sử dụng các nguồn năng lượng thay thế”, ông Mallick nói thêm.
Eurozone (gồm 19 quốc gia) và châu Âu nói chung - đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột Ukraine và các lệnh trừng phạt tiếp theo của phương Tây. Đặc biệt, lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với các chuyến hàng chở dầu từ Nga và hệ thống đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức bắt đầu ngừng hoạt động để bảo dưỡng định kỳ, đã gây ra tình trạng lạm phát cao. Ước tính tăng trưởng của Eurozone đã bị cắt giảm xuống 2,5% trong năm nay và 1,9% vào năm 2023. Ngược lại, lạm phát trong Eurozone đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ là 8,6% vào tháng 6 vừa qua.
Một vấn đề khác mà khu vực này đang phải đối mặt là sự suy thoái kinh tế ở Trung Quốc do các đợt ngừng hoạt động để đối phó với sự gia tăng lây nhiễm dịch Covid-19. Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 đã bị hạ xuống còn 4,3% so với mục tiêu là khoảng 5,5%. Sự suy thoái của thị trường xuất khẩu chính của Eurozone cùng với giá năng lượng tăng đã dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong cán cân thương mại hàng hóa và dịch vụ.
Cuối cùng, đồng euro trượt giá sẽ tạo thêm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp ở châu Âu vốn đang quay cuồng với lạm phát cao kỷ lục. Một đồng tiền yếu hơn sẽ làm cho hàng nhập khẩu - chủ yếu bằng USD - đắt hơn, làm tăng giá hàng hóa nội địa.
Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ngoại hối của Ngân hàng trung ương Đức George Saravelos dự đoán, đồng euro có thể giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại 0,95-0,97 USD/euro. Các nhà phân tích cho rằng, đến khi triển vọng kinh tế được cải thiện, đồng euro sẽ vẫn ở trong tình trạng ảm đạm. Ngay cả khi Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất, FED cũng sẽ tăng theo để củng cố đồng USD và “xoa dịu” lạm phát ở Mỹ. Sự kết hợp này không chỉ làm phức tạp thêm nỗ lực của ECB trong việc kiềm chế lạm phát mà còn đặt ra nhiều thách thức khiến ECB phải thực hiện các hành động mạnh mẽ hơn nhằm chống lại các mối đe dọa suy thoái đang rình rập.