Eurogroup nhất trí phối hợp hành động để chống lạm phát
Chủ tịch Eurogroup Paschal Donohoe cho biết các bộ trưởng đều thống nhất về mục tiêu giảm lạm phát nếu không người dân châu Âu sẽ nghèo hơn trong thời gian dài hơn.
Ngày 9/9, các quan chức phụ trách tài chính của Khu vực đồng euro (Eurozone) đã nhất trí cùng nhau hành động để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp trước đà tăng vọt của giá năng lượng, đồng thời phối hợp với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về chính sách hỗ trợ để tránh làm tăng thêm sức ép lạm phát.
Nhóm các Bộ trưởng Tài chính 19 quốc gia thành viên Eurozone, còn gọi là Eurogroup, đều cho rằng chương trình hỗ trợ nên tập trung vào việc cấp nguồn tài chính để trợ giúp người dân và ngành công nghiệp như một biện pháp khẩn cấp, song lưu ý việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp nên được phối hợp xuyên biên giới để duy trì sự cạnh tranh bình đẳng.
Trong một cuộc họp báo, Chủ tịch Eurogroup Paschal Donohoe cho biết các bộ trưởng đều thống nhất về mục tiêu giảm lạm phát nếu không người dân châu Âu sẽ nghèo hơn trong thời gian dài hơn.
Pháp, Đức và các quốc gia khác đã công bố các gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ euro để giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng đối phó với lạm phát tăng cao. Tổ chức tư vấn Bruegel, có trụ sở tại Bỉ, ước tính gói hỗ trợ của các chính phủ Liên minh châu Âu (EU) lên tới 282 tỷ euro (285 tỷ USD).
Tuy nhiên, chính chương trình hỗ trợ có thể thúc đẩy lạm phát và tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Theo Chủ tịch Donohoe, các biện pháp can thiệp sẽ được phối hợp với chính sách tiền tệ của ECB và các nước Eurozone sẽ nỗ lực hết sức để tránh làm tăng thêm sức ép lạm phát.
ECB ngày 8/9 đã thông báo tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đưa lãi suất chuẩn của khu vực lên mức 1,25% nhằm đối phó với lạm phát phi mã. Đây là đợt tăng lãi suất mạnh chưa từng có của ECB.
Khi được hỏi làm thế nào để các bộ trưởng điều hòa việc bơm thêm tiền vào nền kinh tế thông qua các biện pháp hỗ trợ mà vẫn tránh làm tăng lạm phát, ông Donohoe cho biết câu trả lời nằm ở quy mô và thiết kế của các biện pháp, song đây vẫn là một thách thức phức tạp.
Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU, Paolo Gentiloni, cho biết khó khăn là duy trì hỗ trợ có mục tiêu và tạm thời.
Trong khi đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde lưu ý rằng đã có một số cải tiến trong việc thiết kế các chương trình hỗ trợ của châu Âu nhưng lưu ý rằng vẫn cần phải cải thiện hơn nữa./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/eurogroup-nhat-tri-phoi-hop-hanh-dong-de-chong-lam-phat/257760.html