EVN lãi hơn 8.200 tỷ đồng trong năm 2024
Sau hai năm liên tiếp thua lỗ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có lãi trở lại trong năm 2024, với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến cuối năm, 'ông lớn' ngành điện vẫn đang gánh khoản lỗ lũy kế lên tới gần 39.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2024 vừa được EVN công bố, tổng doanh thu hợp nhất của tập đoàn đạt 580.537 tỷ đồng, tăng gần 16% so với năm trước. Riêng doanh thu từ bán điện đạt hơn 572.936 tỷ đồng, chiếm hơn 98% tổng doanh thu.
Với giá vốn hàng bán ở mức 530.948 tỷ đồng, lợi nhuận gộp năm qua của EVN đạt 49.588 tỷ đồng, gấp gần 4 lần năm 2023 - thời điểm doanh nghiệp lỗ nặng do biến động giá nhiên liệu và áp lực tỷ giá.

Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính năm 2024 lại sụt giảm gần 21%, chỉ đạt hơn 3.215 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính của EVN vẫn ở mức cao, gần 21.914 tỷ đồng, dù đã giảm nhẹ 3% so với năm trước. Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng nhẹ.
Sau khi khấu trừ toàn bộ chi phí, EVN ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 8.237 tỷ đồng, đánh dấu năm đầu tiên tập đoàn có lãi sau hai năm liên tục thua lỗ. Trong đó, phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 7.222 tỷ đồng. Tuy vậy, đến cuối năm 2024, EVN vẫn đang lỗ lũy kế 38.688 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2024, tổng tài sản của EVN đạt 675.872 tỷ đồng, giảm hơn 26.800 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của tập đoàn lên tới 91.294 tỷ đồng. Riêng tiền gửi đã mang về hơn 2.000 tỷ đồng tiền lãi trong năm qua.
Nợ vay tài chính của EVN đến cuối năm 2024 là 369.075 tỷ đồng, trong đó nợ dài hạn chiếm hơn 87%. Gánh nặng tài chính vẫn là một áp lực lớn đối với tập đoàn, nhất là trong bối cảnh giá thành sản xuất điện phụ thuộc nhiều vào các nguồn nhập khẩu và tỷ giá ngoại tệ biến động khó lường.
Một trong những yếu tố giúp EVN có lãi trở lại là việc tăng giá điện từ ngày 11/10/2024, với mức tăng 4,8%. Đây là lần tăng giá thứ hai trong năm, trước đó, vào tháng 5, EVN đã điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 2.103,11 đồng lên 2.204,07 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT).
EVN cho biết, trong năm 2024, nguồn thủy điện - vốn có giá thành thấp chỉ chiếm khoảng 25% tổng sản lượng điện. Phần lớn còn lại được cung cấp từ các nguồn có chi phí cao như nhiệt điện than, khí, dầu và năng lượng tái tạo. Đặc biệt, các sản lượng điện tăng thêm phải huy động từ nguồn LNG và than nhập khẩu - vốn có giá thành rất cao làm tăng áp lực lên chi phí sản xuất, nhất là khi tỉ giá USD biến động mạnh trong năm qua.
Với mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, EVN đang tiếp tục kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, đồng thời thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và hạ tầng truyền tải trong giai đoạn tới.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/evn-lai-hon-8-200-ty-dong-trong-nam-2024-320498.html