EVN nợ PVN gần 1 tỷ USD, hơn một nửa là nợ đến hạn thanh toán
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, một trong những vướng mắc, khó khăn lớn là EVN đang nợ trong toàn tập đoàn lên đến gần 23.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), trong đó nợ đến hạn thanh toán là hơn 14.000 tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cân đối dòng tiền của Tập đoàn này.
Theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), tổng doanh thu toàn tập đoàn 6 tháng đầu năm ước đạt 420,1 nghìn tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch 6 tháng; nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 66 nghìn tỷ đồng, vượt 63% kế hoạch 6 tháng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất vượt cao so với kế hoạch 6 tháng; cung cấp ổn định, tối đa các sản phẩm chiến lược: khí, điện, đạm, xăng dầu,… cho đời sống và sản xuất.
Mặc dù vậy, ngành dầu khí cũng đang đứng trước những khó khăn như thị trường năng lượng giảm sâu so với cùng kỳ và xu hướng tháng sau giảm so với các tháng trước; giá dầu thô, giá khí, biên lợi nhuận xăng dầu, lọc dầu giảm mạnh, nhu cầu điện tăng không cao so với cùng kỳ; bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới 6 tháng đầu năm giảm từ 25 – 27% so với cùng kỳ; giá phân bón ở mức thấp, tiêu thụ khó khăn...
Đáng chú ý, "một trong những vướng mắc, khó khăn lớn là EVN đang nợ trong toàn PVN lên đến gần 23.000 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), trong đó nợ đến hạn thanh toán là hơn 14.000 tỷ đồng, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh cân đối dòng tiền của Tập đoàn", PVN cho biết.
Bên cạnh đó, PVN phản ánh, với việc ưu tiên huy động điện từ nguồn năng lượng tái tạo nhưng với tính ổn định không cao dẫn đến các nhà máy nhiệt điện khí huy động lên xuống máy liên tục làm xác suất sự cố các tổ máy tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất điện cũng như tính sẵn sàng để đảm bảo mục tiêu kế hoạch sản lượng điện của Tập đoàn.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 do Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte thực hiện, tại ngày 31/12/2022, EVN đang nợ người bán (cả ngắn và dài hạn) là 79.625 tỷ đồng, tăng hơn 16.700 tỷ đồng sau một năm, tập trung ở các bên liên quan như: Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương, AES Mông Dương, Vĩnh Tân 1, Nghi Sơn 2,...
Ngoài ra, EVN còn ghi nhận chi phí phải trả ngắn hạn khác, chủ yếu là chi phí mua điện (5.272 tỷ đồng), chi phí lãi vay (3.199 tỷ), chi phí chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện (887 tỷ) và chi phí phải trả nhà thầu xây dựng cơ bản (503 tỷ).