EVN tăng 4,1% sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu
Trong quý I/2021, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân tại các địa phương. Đặc biệt đảm bảo tăng cường cấp điện cho bệnh viện, cơ sở y tế và các khu vực cách ly tập trung phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Lũy kế 3 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 59,65 tỷ kWh, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thủy điện huy động 13,86 tỷ kWh, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2020; Nhiệt điện khí huy động 7,44 tỷ kWh, giảm 21,4% so với cùng kỳ năm 2020; Nhiệt điện than huy động 29,75 tỷ kWh, giảm 12,4 % so với cùng kỳ năm 2020; Năng lượng tái tạo huy động 7,79 tỷ kWh, tăng 180,6% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó điện mặt trời huy động 7,13 tỷ kWh; Điện nhập khẩu 405 triệu kWh, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2020...
Quý I, điện sản xuất của EVN và các Tổng Công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) đạt 29,22 tỷ kWh, chiếm gần 49% sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu của toàn hệ thống. Trong đó, tổng sản lượng điện của các nhà máy điện do EVN sở hữu 100% vốn (không tính EVNGENCO3 và các công ty cổ phần) đạt 16,89 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng 28,3%.
Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN trong quý I ước đạt 50,81 tỷ kWh, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2021, EVN gặp một số khó khăn trong huy động nguồn linh hoạt, đó là: Các tổ máy thủy điện phải thay đổi linh hoạt công suất để bù đắp thay đổi năng lượng tái tạo, ảnh hưởng đến an ninh cấp điện cuối mùa khô; tăng số lần khởi động/thay đổi công suất các tổ máy nhiệt điện than/tuabin khí, làm tăng nguy cơ sự cố tổ máy...
Do đó, việc huy động các nguồn điện hàng ngày cần được tính toán hợp lý, cơ cấu nguồn phải đảm bảo có dự phòng để đáp ứng không những các thay đổi của phụ tải tiêu thụ điện mà còn với các thay đổi bất thường của chính các nguồn năng lượng tái tạo với mức độ thay đổi hàng nghìn MW trong vài giây. Việc tiết giảm khả năng phát các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng như hiện nay là bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo an toàn cung cấp điện.
Nhìn chung, trong 3 tháng đầu năm, công tác điều hành cung ứng điện đã bám sát nhu cầu nhu cầu điện cả nước và tại các khu vực, đảm bảo huy động các loại nguồn điện phù hợp với tình hình thủy văn, đồng thời đảm bảo cấp nước hạ du và sản xuất nông nghiệp. EVN đã phối hợp với Tổng cục Thủy lợi tiến hành 3 đợt xả nước, cung cấp đủ nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2020 - 2021 cho các tỉnh Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
Tính chung cả 3 đợt xả nước, các hồ thủy điện của EVN đã xả 5,14 tỷ m3 (hồ Hòa Bình: 3,399 tỷ m3, hồ Tuyên Quang: 1,059 tỷ m3, hồ Thác Bà: 0,682 tỷ m3). So với kế hoạch ban đầu, tổng lượng nước xả tiết kiệm được khoảng 0,5 - 0,7 tỷ m3. Tổng lượng nước xả năm nay dù đã giảm so với kế hoạch, nhưng vẫn cao hơn 2,46 tỷ m3 so với năm 2020 (năm có mưa lớn vào Tết Nguyên đán); cao hơn 0,72 tỷ m3 so với năm 2019.
Về công tác kinh doanh và dịch vụ khách hàng, từ năm 2020 EVN đã triển khai thí điểm việc tích hợp các hệ thống kỹ thuật và kinh doanh nhằm giảm số thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết các yêu cầu cấp điện mới. Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm 2021: Chỉ số SAIDI (thời gian mất điện kéo dài trung bình của khách hàng) là 262,7 phút, giảm 43,9%% so với cùng kỳ năm 2020; chỉ số SAIFI (tần suất mất điện kéo dài trung bình) là 2,02 lần, giảm 28,87% so cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 67,52%. Tỷ lệ số tiền điện được thanh toán không dùng tiền mặt toàn EVN đạt gần 90%.
EVN tiếp tục tích cực hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2021 diễn ra định kỳ hàng năm vào tháng 3. Chủ đề Giờ Trái đất năm 2021 có mục tiêu mục tiêu hướng về mối liên kết giữa con người và thiên nhiên, mối quan hệ tương sinh giữa các giống loài, để từ đó có những hành động và đóng góp cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề môi trường lớn hiện nay, đặc biệt là tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời cũng kêu gọi hạn chế tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm đạt mục tiêu giảm từng bước, tiến tới không còn rác thải nhựa trong môi trường tự nhiên. Cùng với các quốc gia khác trên thế giới, Giờ Trái đất tại Việt Nam năm nay tập trung vào các hoạt động trực tuyến và mạng xã hội.
EVN và các đơn vị thành viên cũng đã thực hiện tuyên truyền về tiết kiệm điện và hưởng ứng chiến dịch trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực các tỉnh, thành còn đồng thời triển khai thực hiện tuyên truyền tại các địa điểm giao dịch khách hàng, trụ sở của các đơn vị trong cả tháng 3 năm 2021. Sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng (từ 20h30 - 21h30 ngày 27/3), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 353.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 658,1 triệu đồng).
Về công tác đầu tư xây dựng, trong quý I/2021, EVN đã đôn đốc các đơn vị xử lý vướng mắc trong công tác GPMB, đẩy nhanh tiến độ các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, đường dây 500kV mạch 3, đường dây 500kV đấu nối Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 và các dự án 110kV. Về nguồn điện, Hội đồng nghiệm thu cấp Chủ đầu tư EVN đã nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng cụm cửa xả - dự án Thủy điện tích năng Bác Ái (giai đoạn 1).
Về đầu tư lưới điện, trong quý I/2021, EVN và các đơn vị đã khởi công 27 công trình; hoàn thành đóng điện 27 công trình lưới điện 110 kV đến 500kV (gồm: 03 công trình 500kV, 6 công trình 220kV và 18 công trình 110kV), trong đó có những dự án lưới điện cấp bách: đóng điện tuyến 2 đường dây 500kV đấu nối Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện quốc gia, đóng điện nâng công suất trạm biến áp 500kV Quảng Ninh...
Trong bối cảnh cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước tiếp tục tập trung phòng chống dịch Covid-19, EVN và các đơn vị đã và đang tiếp tục thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”: vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo cung cấp điện và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/evn-tang-41-san-luong-dien-san-xuat-va-nhap-khau-415279.html