EVN tăng giá điện lên gần 5% từ ngày 10/5

EVN vừa thông báo về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, đây là một thông tin quan trọng, chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến chi phí sinh hoạt và hoạt động sản xuất kinh doanh…

Ngày 9/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh kể từ ngày mai (10/5). Theo đó, mức điều chỉnh mới tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Cụ thể, EVN đã có Quyết định số 599/QĐ-EVN ngày 7/5/2025 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó mức giá bán lẻ điện bình quân sau khi điều chỉnh là 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 10/5/2025. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Quyết định điều chỉnh giá điện của EVN được căn cứ quy định tại Luật Điện lực số 61/2024/QH15 ngày 30/11/2024, Nghị định số 72/2025/NĐ-CP ngày 28/3/2025 của Chính phủ quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và Thông tư số 22/2025/TT-BCT ngày 26/04/2025 của Bộ Công Thương quy định tính toán giá bán lẻ điện bình quân, với tinh thần hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân và đánh giá kỹ lưỡng, phù hợp với tình hình thực tiễn.

EVN đánh giá, về cơ cấu nguồn điện năm 2025, nguồn thủy điện với giá thành thấp chỉ cung cấp được khoảng 25% sản lượng toàn hệ thống; còn lại 75% sản lượng hệ thống được cung cấp từ các nguồn điện có giá thành cao như nhiệt điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo...

Đối với sản lượng điện tăng thêm của hệ thống về cơ bản phải huy động từ các nguồn điện có giá thành cao như: nguồn nhiệt điện chạy dầu, nguồn nhiệt điện tuabin khí hóa lỏng (LNG) và nguồn nhiệt điện than nhập khẩu. Bên cạnh đó trong thời gian qua tỷ giá ngoại tệ (USD) diễn biến khó lường, tăng cao. Điều này làm ảnh hưởng đến chi phí khâu phát điện, nơi chiếm tỷ trọng khoảng 83% trong giá thành sản xuất điện.

Trong bối cảnh chi phí khâu phát điện có xu hướng tăng cao những năm gần đây, EVN và các đơn vị thành viên đã quyết liệt thực hiện việc tiết giảm, tiết kiệm chi phí với yêu cầu trong năm 2025 tiết kiệm chi phí thường xuyên, sửa chữa lớn phải đạt tối thiểu 10% và phối hợp chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia vận hành tối ưu hệ thống điện và thị trường điện để đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục.

Như vậy kể từ đầu năm 2023, EVN đã bốn lần điều chỉnh giá điện và thực hiện trong thẩm quyền, với mức tăng 3%, 4,5% và 4,8%, và lần này tiếp tục ở mức 4,8%. Tính từ năm 2023 trở lại đây, giá điện đã tăng tới hơn 17%.

Cũng theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận định, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng theo chủ trương của Chính phủ.

Quyết định tăng giá lần này được đưa ra trong bối cảnh EVN vẫn lỗ lũy kế từ sản xuất kinh doanh điện. Năm ngoái, tập đoàn này cân bằng tài chính và có lợi nhuận từ mảng kinh doanh này. Song 2 năm trước đó, họ lỗ tổng cộng hơn 70.000 tỷ đồng từ bán điện. Khoản lỗ này chưa gồm 18.032 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá của hợp đồng mua bán điện treo trong 5 năm (2019-2023).

Theo kết quả kiểm tra của Bộ Công Thương công bố tháng 10/2024, tổng chi phí sản xuất 2023 của EVN là hơn 528.600 tỷ đồng. Mức này tương đương giá sản xuất 2.088,9 đồng một kWh, tăng 2,79% so với năm 2022.

Hà Linh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/evn-tang-gia-dien-len-gan-5-tu-ngay-105-post559916.html