EVNHANOI khuyến cáo sử dụng điện an toàn phòng chống cháy nổ mùa cao điểm
Trách nhiệm sử dụng điện an toàn sau đang bị nhiều người dùng xem nhẹ, trong khi đây lại là 'mặt trận' đầu tiên để phòng ngừa cháy nổ trong khu dân cư và sản xuất.
Theo thống kê của phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an TP Hà Nội, năm 2024, Hà Nội chứng kiến xấp xỉ 1.600 vụ cháy cần tới cứu nạn cứu hộ, trong đó gần 70% nguyên nhân các vụ cháy là do sử dụng điện và có những tháng lên đến 90%.

EVNHANOI tăng cường tuyên truyền sử dụng điện an toàn phòng chống cháy nổ tới khách hàng trên địa bàn
Trong bối cảnh số vụ cháy nổ do sự cố điện ngày càng gia tăng, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, việc sử dụng điện an toàn đang trở thành yêu cầu cấp thiết, không chỉ với cơ quan quản lý mà còn là trách nhiệm trực tiếp của từng người dân. Đáng chú ý, phần lớn các sự cố cháy nổ xảy ra sau công tơ điện nằm trong phạm vi quản lý và sử dụng trực tiếp của khách hàng.
Tại buổi Tọa đàm “An toàn điện sau công tơ – Nhận thức đúng, hành động kịp thời” do Báo Công an Nhân dân tổ chức, các chuyên gia đã phân tích và đưa ra cảnh báo: nhiều người dân đang nhầm tưởng rằng trách nhiệm phòng cháy thuộc về lực lượng chức năng hay ngành điện, tuy nhiên trong thực tế, hành vi sử dụng điện thiếu an toàn là nguyên nhân chủ yếu gây chập cháy, rò điện.
Những lỗi tưởng như nhỏ như ổ cắm quá tải, dây dẫn cũ kỹ, đặt thiết bị điện gần vật dễ cháy, hay cắm sạc xe đạp điện qua đêm mà không có người giám sát… chính là “mồi lửa” âm ỉ có thể bùng phát thành thảm họa. Đặc biệt, trong các khu nhà trọ, chung cư mini hay cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nơi không gian chật hẹp, thiết bị điện đấu nối chằng chịt sẽ gây nguy cơ cháy lan rất cao khi chỉ một thiết bị mất an toàn.

EVNHANOI hướng dẫn đấu nối điện an toàn để phòng chống cháy nổ
Để giảm thiểu những nguy cơ này, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo trực tiếp tới người sử dụng điện. Theo đó khách hàng cần tuân thủ các nguyên tắc tối thiểu như: không cắm nhiều thiết bị vào cùng một ổ; kiểm tra định kỳ dây dẫn; tách riêng hệ thống điện sinh hoạt với điện sản xuất; đặc biệt, không để xe điện, bình sạc, pin gần nguồn điện hay thiết bị sinh nhiệt – những vị trí dễ châm ngòi cháy nổ trong những ngày nắng nóng.
Không chỉ dừng lại ở khuyến nghị, EVNHANOI cũng phối hợp các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra hệ thống điện tại các khu dân cư, yêu cầu kẻ vạch sơn đỏ ở khu vực công tơ điện, “cấm để đồ đạc, xe cộ, vật liệu dễ cháy gần ổ cắm, tủ điện”. Các chủ nhà trọ, ban quản lý chung cư mini được yêu cầu bố trí khoảng cách ngăn cháy và bổ sung thiết bị chữa cháy tự động tại khu vực để xe, nơi đặt bảng điện.
Luật Điện lực và Luật Phòng cháy chữa cháy cũng đã có những quy định rất cụ thể, trong đó nêu rõ: người sử dụng điện phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn hệ thống điện trong phạm vi quản lý của mình, không được tự ý đấu nối, không dùng thiết bị không đạt chuẩn, và bắt buộc khắc phục ngay mọi nguy cơ có thể gây cháy. Vi phạm các quy định này không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn có thể bị ngừng cấp điện khẩn cấp nếu phát hiện rủi ro gây mất an toàn.
Điều quan trọng, ý thức phòng cháy phải bắt đầu từ từng ổ cắm nhỏ và ý thức của người sử dụng trong mỗi căn nhà. Đừng chờ đến khi tia lửa lóe lên mới giật mình nhìn lại, lúc ấy có thể đã quá muộn.
Với tinh thần “Đồng hành cùng khách hàng – vì một Hà Nội an toàn điện, không cháy nổ”, EVNHANOI kêu gọi cộng đồng cùng chung tay lan tỏa thông điệp sử dụng điện an toàn, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất: Kiểm tra ổ cắm, thay dây dẫn cũ, không sạc điện qua đêm, và có mặt kịp thời khi phát hiện dấu hiệu bất thường.