Hà Nội: Một em nhỏ tử vong khi đi tắm hồ ở huyện Sóc Sơn

Chiều 14/5, tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), một em học sinh đã tử vong do đuối nước khi tắm hồ. Công an Thành phố Hà Nội khuyến cáo, chính quyền địa phương và người dân cần tăng cường công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, nhất là khi dịp nghỉ hè sắp đến.

Chiều 14/5, tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), một em học sinh đã tử vong do đuối nước khi tắm hồ. (Ảnh: Công an Thành phố Hà Nội)

Chiều 14/5, tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), một em học sinh đã tử vong do đuối nước khi tắm hồ. (Ảnh: Công an Thành phố Hà Nội)

Vào 16 giờ 8 phút, ngày 14/5, Tổ địa bàn Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Sóc Sơn nhận được tin báo có một vụ đuối nước xảy ra trên địa bàn xã Tân Dân.

Lực lượng chức năng đã điều động một xe chữa cháy cùng 7 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường, phối hợp người dân và Công an xã Tân Dân để tổ chức tìm kiếm nạn nhân.

Đến 16 giờ 20 phút, đã tìm thấy cả 3 em học sinh. Đáng tiếc, 1 em học sinh (sinh năm 2011) không qua khỏi.

Được biết, 3 em nhỏ đã cùng nhau ra Hồ Dộc Xăm, xã Tân Dân để tắm rồi xảy ra vụ việc đáng tiếc.

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung và huyện Sóc Sơn nói riêng xảy ra nhiều vụ đuối nước gây thiệt hại về người. Để thực hiện tốt công tác phòng ngừa, hạn chế thấp nhất các vụ đuối nước xảy ra vào mùa nắng nóng, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo:

1. Các em học sinh tuyệt đối: Không tắm, bơi ở ao, hồ, sông, suối, kênh rạch khi không có người lớn đi kèm; không tự ý rủ nhau đi tắm ở những nơi nguy hiểm, không có phương tiện cứu hộ; không nhảy xuống nước khi không biết bơi hoặc chưa được trang bị kỹ năng an toàn.

2. Trang bị các kỹ năng bảo đảm an toàn và xử lý tình huống khi bơi như khởi động kỹ trước khi xuống nước, cách xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước,…

3. Đặt biển cảnh báo về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu, nước xoáy....

4. Đối với các bể bơi, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ đồng thời tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi. Khi cho trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ.

5. Khi phát hiện người đuối nước cần bình tĩnh xử lý, hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân (nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây cứu nạn, cứu hộ… cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối nước); đồng thời gọi điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố Hà Nội theo số máy 114.

6. Khi gặp nạn nhân bị đuối nước phải nhanh chóng đưa người bệnh lên bờ, cần bình tĩnh đánh giá tình trạng của người bệnh. Trường hợp người bệnh bất tỉnh, có ngừng tim, ngừng thở, cần áp dụng ngay các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn như: hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực…; kiên trì đến khi người bệnh có nhịp tim trở lại thì nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.

Trong trường hợp người bệnh khi được đưa lên bờ vẫn tỉnh táo, tự thở được, cần lau khô, ủ ấm, đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Hà Nhung - Lê Đức

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ha-noi-mot-em-nho-tu-vong-khi-di-tam-ho-o-huyen-soc-son-post879881.html