ExxonMobil hưởng lợi gì từ bất ổn chính trị ở Venezuela?

Gã khổng lồ dầu mỏ ExxonMobil của Mỹ có thể hưởng lợi rất nhiều từ tình trạng bất ổn đang lan rộng ở Venezuela trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống tại nước này, nhất là khi Tổng thống Nicolas Maduro đang cản trở lợi ích dầu mỏ của công ty, Alexander Stepanov, chuyên gia quân sự, Giám đốc chương trình của Viện Hàn lâm Khoa học Chính trị, nói với TASS.

Người dân Venezuela biểu tình phản đối ExxonMobil. Ảnh: Reuters

Người dân Venezuela biểu tình phản đối ExxonMobil. Ảnh: Reuters

Tại Venezuela, các cuộc biểu tình và đụng độ với cảnh sát đã làm rung chuyển thủ đô nước này trong bối cảnh cuộc bầu cử vừa diễn ra. Nhiều người dân biểu tình hô vang khẩu hiệu chống chính phủ, cáo buộc chính quyền gian lận trong cuộc bầu cử.

“Ai muốn loại bỏ ông Nicolas Maduro nhất? Chúng ta nên suy nghĩ một cách logic về việc ai sẽ được lợi từ việc này. Tổng giám đốc điều hành ExxonMobil Darren Woods là người hưởng lợi tiềm năng. Công ty Mỹ ExxonMobil, thông qua các mối quan hệ tham nhũng trong chính phủ Guyana và cái gọi là hoạt động vận động hành lang, đã đảm bảo quyền tiếp cận các mỏ dầu ở vùng lãnh thổ tranh chấp của khu vực Essequibo, nơi được Venezuela chính thức công nhận là tiểu bang thứ 24 vào năm 2023”, ông Stepanov nói với TASS.

Đối với Mỹ, điểm thu hút của Guyana là trữ lượng hydrocarbon đã được thăm dò vào năm 2015, có khả năng lên tới hơn 30 mỏ ngoài khơi chất lượng cao, ông Stepanov, cũng là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Mỹ Latinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (ILA RAN), cho biết. Tổng trữ lượng dầu trong khu vực này ước tính là 11 tỷ thùng. Ông lưu ý rằng hiện có 3 mỏ dầu lớn đang được khai thác. Theo dự đoán, quốc gia này có thể đạt mức sản lượng 1,2 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2027.

“ExxonMobil, công ty đang phát triển các mỏ dầu đã phát hiện, có kế hoạch khai thác 800.000 thùng/ngày tại đó sớm nhất là vào năm 2025. Kế hoạch là đầu tư 20 - 25 tỷ USD vào việc phát triển cơ sở hạ tầng khai thác mỗi năm cho đến năm 2027”, ông Stepanov cho biết.

Vào năm 2023, chính quyền Maduro đã đặt mục tiêu đưa Essequibo trở lại dưới sự kiểm soát hợp pháp của mình, chuyên gia lưu ý. “Liệu lý do này có đủ để lật đổ chế độ Maduro đang cố gắng “quyết liệt” phá hoại kế hoạch kinh doanh của họ khi khai thác tài nguyên của người khác hay không?” ông Stepanov đặt câu hỏi.

Hơn nữa, năm ngoái ông Maduro đã tuyên bố rằng quốc gia này muốn đẩy nhanh việc chuyển hướng khỏi đồng đô la trong thương mại toàn cầu, ông Stepanov cho biết, đồng thời nói thêm rằng ông hy vọng Venezuela sẽ từ bỏ đồng tiền Mỹ trong các giao dịch kinh tế. Quốc gia này đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS vào tháng 8/2023.

Cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức tại Venezuela vào ngày 28/7. Theo tuyên bố của Hội đồng Bầu cử Quốc gia được công bố sau khi kiểm 80% số phiếu, Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro được 5.150.092 cử tri ủng hộ, tương đương 51,2%. Đối thủ lớn nhất của ông, Edmundo Gonzalez, người đại diện cho các đảng cánh hữu, giành được 4.445.978 phiếu bầu, tương đương 44,2%. Lãnh đạo phe đối lập Corina Machado không công nhận kết quả bầu cử, cáo buộc gian lận bầu cử và tuyên bố rằng ông Gonzalez mới là người giành chiến thắng.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/exxonmobil-huong-loi-gi-tu-bat-on-chinh-tri-o-venezuela-715351.html