F-15E lần đầu dùng bom 2,5 tấn diệt mục tiêu
Tiêm kích F-15E của Không quân Mỹ vừa lần đầu thử thành công GBU-72 nặng 2,5 tấn - đây là loại bom được thiết kế chuyên thực hiện mục tiêu diệt boongke.
Theo Drive, cuộc thử nghiệm được thực hiện hôm 7/10, nhằm chứng minh bom GBU-72 Advanced 5K Penetrator có thể tách rời an toàn khỏi tiêm kích F-15E, cũng như bộ dẫn đường JDAM có thể điều khiển được quả bom nặng 2,5 tấn.
Vụ thử là lần đầu tiên bom GBU-72 được lắp lên giá treo vũ khí và thả từ máy bay ở độ cao hơn 10km trên thao trường của căn cứ không quân Eglin. Không quân Mỹ sẽ chuyển sang giai đoạn thử nghiệm tác chiến với bom GBU-72 từ năm 2022.
Mục đích chương trình GBU-72 ra đời nhằm giúp Không quân Mỹ có trong tay vũ khí chuyên tấn công các mục tiêu kiên cố như boongke nằm sâu trong lòng đất, có thể triển khai từ tiêm kích và oanh tạc cơ.
Mặc dù vậy, Không quân Mỹ không cho biết khả năng xuyên phá chính xác của GBU-72 là bao nhiêu, nhưng khẳng định uy lực của loại bom này vượt xa những vũ khí tiền nhiệm như GBU-28. Điều đó đồng nghĩa với việc, ít nhất GBU-72 phải xuyên sâu qua 6m bê tông, hay 30m đất như của GBU-28 hiện nay.
Bom GBU-28 là bom xuyên phá boongke dẫn đường bằng laser được đưa vào biên chế năm 1991, sau những lo ngại về khả năng tấn công của bom BLU-109/B trong Chiến tranh Vùng Vịnh. Không quân Mỹ đã triển khai bom GBU-28 trong chiến dịch không kích Nam Tư năm 1999 và giai đoạn đầu chiến dịch quân sự tại Afghanistan, Iraq.
Sức mạnh của biến thể GBU-28/B nâng cấp không được công bố nhưng được cho rằng mạnh hơn đáng kể so với nguyên bản. Đây hiện là loại bom xuyên phá boongke tầm trung duy nhất của Mỹ, nằm giữa mẫu BLU-109/B nặng 900 kg và siêu bom GBU-57/B MOP nặng gần 15 tấn.
Với GBU-72, thành viên mới trong kho bom Mỹ sẽ cải thiện năng lực tấn công hầm ngầm cho không quân nước này, nhất là với mục tiêu ngoài khả năng tấn công của bom BLU-109/B nhưng chưa đòi hỏi sử dụng bom GBU-57/B chỉ có thể triển khai từ oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit.
Điều đặc biệt ở dòng bom chuyên phá boongke GBU-72 của Mỹ là bom dẫn đường vệ tinh có độ chính xác cao. Tuy nhiên, do là loại bom boongke tầm trung nên diệt mục tiêu ở độ sâu lớn hoặc trước mục tiêu được gia cố bằng lớp bê tông cường lực, Không quân Mỹ phải dùng bom hạng nặng hơn.
Điều này giúp khắc phục nhược điểm của bom dẫn đường bằng laser như GBU-28/B, vốn bị cản trở bởi mây, khói mù hoặc địa hình, cũng như giúp máy bay có thể thả bom từ khoảng cách xa hơn và tăng khả năng sống sót trước đòn đánh trả của đối phương.