Mặc dù máy bay chiến đấu F-35 là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm, nhưng nó đã bị chỉ trích ngay từ khi được sản xuất hàng loạt và đưa vào trang bị, do thuộc tính "một kích cỡ phù hợp với tất cả, đây là khuyết điểm chứ không phải là ưu điểm".
Vào ngày 1/12/2022, chiếc máy bay với "hơn 800 lỗi" lại bị tai nạn khi hạ cánh. Tại căn cứ dự bị liên hợp hàng không Hải quân ở Fort Worth của Mỹ, một máy bay chiến đấu F-35B hạ cánh xuống đường băng theo kiểu thẳng đứng, nhưng máy bay nảy lên và mất thăng bằng. Bộ phận hạ cánh bị gãy, đầu máy bay bị đạp xuống đất, nhưng phi công đã phóng dù thoát ra an toàn.
Trước đó, để giảm bớt kiểu loại máy bay, giúp đơn giản trong việc sửa chữa, bảo dưỡng, cung cấp phụ tùng và đặc biệt là tiết kiệm chi phí phát triển; cả 3 lực lượng là không quân, hải quân và thủy quân lục chiến của Quân đội Mỹ, đã thống nhất phát triển một mẫu máy bay chiến đấu tàng hình “3 trong 1”.
Tiêm kích F-35 ngay từ khi bắt đầu phát triển đã được chia thành 3 phiên bản, đó là phiên bản A được không quân sử dụng; phiên bản B được sử dụng bởi Thủy quân lục chiến; phiên bản C được sử dụng bởi hải quân.
Trong 3 mẫu F-35, chỉ có mẫu F-35B của Thủy quân lục chiến là có thể cất cánh và hạ cánh thẳng đứng hoặc cất cánh ở đường băng ngắn, và nó hiện là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm duy nhất trên thế giới, có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng/đường băng ngắn.
Cũng trong 3 mẫu F-35, phiên bản B là có công nghệ chế tạo phức tạp nhất. Hiện năng lực chế tạo của ngành hàng không Mỹ có trình độ cao nhất, và xét về bản thân công nghệ, cấu tạo cũng như thiết kế của F-35B, thể hiện sự vượt trội hơn hẳn so với các quốc gia khác trên thế giới.
Tuy nhiên, trong những trường hợp bình thường, "công nghệ tiên tiến" thường tỷ lệ nghịch với "trưởng thành và đáng tin cậy"; đặc biệt là trong việc phát triển và sử dụng các máy bay chiến đấu cất và hạ cánh thẳng đứng/đường băng ngắn. Chẳng hạn như máy bay Harrier của Anh hay Yak-38 của Liên Xô, được phát triển trong thời kỳ chiến tranh Lạnh.
Cả hai loại máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng Harrier và Yak-38 đều có những nhược điểm lớn và không thể cạnh tranh với các máy bay chiến đấu thông thường cùng thời. Bản thân hai loại máy bay này, cực kỳ dễ gặp sự cố và thường xuyên xảy ra tai nạn.
Tương tự như vậy, F-35B ngày nay cũng có vấn đề là khó lái và dễ gặp sự cố; kể từ khi máy bay F-35 được đưa vào biên chế, vụ tai nạn đầu tiên là của mẫu F-35B; và F-35 bị rơi lần này, cũng là một mẫu F-35B. Tuy nhiên, vụ tai nạn F-35B lần này, về cơ bản không do trục trặc kỹ thuật, mà nhiều khả năng là do lỗi của phi công.
Từ video về vụ tai nạn của chiếc F-35B vừa qua, không khó để có thể nhận ra những sai sót của phi công; chiếc máy bay đang thực hiện thao tác hạ cánh thẳng đứng trước khi xảy ra tai nạn. Các chuyên gia suy đoán rằng, phi công có thể đã tăng ga lớn, nên máy bay đã bật lên sau khi chạm đất và đã không thể lấy thăng bằng lại.
Trong trường hợp này, chỉ cần phi công giảm ga đúng cách và để máy bay hạ cánh bình thường là đủ. Rõ ràng phi công đã giật mình vì khi tiếp đất bị nảy lên, sau đó là tăng ga; nhưng lại không điều chỉnh trạng thái thăng bằng của máy bay, khiến chiếc F-35B mất thăng bằng, chúi đầu xuống đất. Lúc này, máy bay về cơ bản là không thể cứu vãn, nên phi công buộc phải phóng dù để bảo đảm an toàn.
Từ góc độ này, máy bay chiến đấu cất cánh và hạ cánh thẳng đứng/đường băng ngắn thực sự khó vận hành hơn nhiều so với máy bay chiến đấu thông thường; khó khăn lớn nhất của máy bay chiến đấu cất cánh thẳng đứng là đảm bảo sự cân bằng trong quá trình cất và hạ cánh thẳng đứng; nếu không giữ được, tai nạn rất dễ bị xảy ra.
Trên thực tế, hầu hết các vụ tai nạn của máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng/đường băng ngắn đều do máy bay mất thăng bằng trong giai đoạn cất và hạ cánh. Mặc dù trong các thiết kế từ mẫu Harrier hay Yak-38, đều được hỗ trợ các thiết bị cất và hạ cánh tự động; nhưng kỹ năng của phi công vẫn là rất quan trọng.
Hơn nữa, thiết kế của F-35B rất đặc biệt, vòi phun phản lực ở đuôi của chiếc F-35B là động cơ phun trực tiếp; còn quạt nâng đặt phía sau phi công không có động cơ độc lập, mà dựa vào trục truyền động để lấy động năng từ động cơ máy bay.
Do cấu tạo như vậy, nên lực nâng phía trước và phía sau của F-35B là không đối xứng, dễ bị mất cân bằng theo phương thẳng đứng; một khi mất cân bằng theo phương thẳng đứng, sẽ xuất hiện tư thế “cắm đầu” khi hạ cánh, với đầu chúc xuống và đuôi ngóc lên.
Theo tin tức từ truyền thông Mỹ, chiếc F-35B gặp nạn là một chiếc máy bay vừa xuất xưởng và đang trong quá trình bay thử nghiệm kỹ thuật; nên khó có khả năng do trục trặc kỹ thuật, mà nguyên nhân tai nạn nghiêng về việc phi công thiếu kinh nghiệm.
Từ vụ tai nạn này, không khó để thấy rằng, mặc dù F-35 hiện là máy bay chiến đấu ưu việt nhất của quân đội Mỹ, nhưng nó cần có những phi công rất giỏi để thực sự phát huy hiệu quả chiến đấu.
Nhưng nếu không có những phi công xuất sắc thì ngay cả những chiếc chiến đấu cơ F-35 tối tân nhất, cũng sẽ gặp tình huống nguy hiểm là “gãy càng” trước khi chính thức được ký giấy để rời nhà máy sản xuất về các đơn vị chiến đấu; lại càng không thể bay lên bầu trời các quốc gia khác trên thế giới.
Video toàn cảnh chiếc F-35B của Mỹ bị tai nạn tại căn cứ hàng không Hải quân ở Fort Worth của Mỹ ngày 1/12/2022.
Tiến Minh