Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Đại học Y Hà Nội, với quy mô 500 giường là nơi tiếp nhận, điều trị của các bệnh nhân Covid-19 tầng 2 và 3.
Chiều 10/3, ông Trần Thanh Tùng, Trưởng phòng Điều dưỡng và Công tác xã hội - Truyền thông, cho biết cơ sở y tế này đang điều trị khoảng 150 bệnh nhân.
Khu vực R13 và R14 là nơi điều trị bệnh nhân tầng 3, nặng và nguy kịch. Mỗi khu có thể điều trị tối đa 20-25 bệnh nhân. Khu vực tầng 3 sẽ chia thành 2 đội. Đội một sẽ ở trong phòng bệnh trực tiếp tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân. Đội còn lại sẽ ở ngoài điều phối, xử lý thông tin.
Hệ thống camera giám sát có thể theo dõi đến từng giường của các bệnh nhân. Việc này giúp các nhân viên y tế trong trung tâm điều hành có thể quan sát toàn bộ bệnh nhân, kịp thời cấp cứu khi có tình huống khẩn cấp.
Thời gian gần đây, số lượng F0 tiếp nhận mỗi ngày tại bệnh viện giảm khá nhiều, từ 20-30 ca mỗi ngày giảm xuống còn 7-10 trường hợp. Tương tự, số ca tử vong do Covid-19 cũng giảm từ 6-7 ca/ngày xuống 2-3 trường hợp hoặc có ngày không ghi nhận bệnh nhân qua đời.
Sau khi được điều trị có kết quả âm tính, bệnh nhân sẽ được chuyển đến cơ sở y tế khác để tiếp tục theo dõi.
Tại khu tầng 2, nơi điều trị cho các bệnh nhân nặng, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, cho biết mỗi bệnh phòng khoảng 40 bệnh nhân, trường hợp nào có nguy cơ chuyển nặng sẽ được chuyển lên tầng 3. Tuy nhiên, số bệnh nhân này không nhiều, khoảng 3-4 ca/ngày.
Ông Nguyễn Đình Hải (giường bên trái, 88 tuổi, Hà Nội) có biểu hiện mệt, khó thở và được nhập viện ngày 23/2. Ông có nhiều bệnh nền như tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch, mỡ máu. Sau gần 20 ngày điều trị, ông đã khá hơn dù vẫn ho. Bà Nguyễn Thị Lượng (con gái ông Hải) theo cha vào viện để chăm sóc. "Rất may tôi có thể ở cùng cha để chăm sóc, hỗ trợ cho các bác sĩ. Có người thân bên cạnh, ông cũng vui vẻ hơn", bà Lượng nói.
Bệnh nhân Đinh Thị Khiêm (72 tuổi) được nhập viện điều trị Covid-19 đã hơn một tháng. Bà có nhiều bệnh nền như tim, tiểu đường. Tới nay, sức khỏe bà dần ổn định. Con gái bà từ Ninh Bình cũng là F0 triệu chứng nhẹ vào chăm sóc từ ngày 14/2, đăng ký ăn, ở tại viện rồi ngủ nghỉ ngay tại giường bệnh của mẹ.
Theo bác sĩ Ngọc Sơn, thời gian qua, khá nhiều nhân viên y tế trở thành F0. Khối lượng công việc lớn, nhân lực không đủ. Do đó, bác sĩ, điều dưỡng là F0, không quá mệt mỏi vẫn làm việc. Họ được bố trí một khu vực làm việc riêng. Những nhân viên y tế khác luôn sẵn sàng hỗ trợ 24/24.
"Covid-19 có thể khiến người khỏe mạnh trở nặng bất cứ lúc nào. Nhưng nếu bệnh nhân bị bỏ rơi, họ càng cô đơn, hoảng loạn khiến bệnh thêm trầm trọng. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng ưu tiên bệnh nhân lên hàng đầu", bác sĩ Ngọc Sơn nói.
Bác sĩ Minh Quân, điều trị tầng 3, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, cho biết hầu hết trường hợp nguy kịch là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền và chưa được tiêm vaccine Covid-19. Bệnh nhân tử vong không hẳn chỉ ở khu vực tầng 3. Một số trường hợp ở khu vực khác chuyển nặng đột ngột, không kịp cấp cứu hoặc cấp cứu không thành công cũng có thể dẫn tới không qua khỏi.
Bệnh nhân phải hồi sức tích cực có khả năng hồi phục kém hơn so với các ca ở tầng 2, đặc biệt là người cao tuổi. Bệnh nhân chủ yếu nằm lưu cữu, thời gian điều trị dài, có khi vài tuần hoặc vài tháng mới có thể ra viện.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian gần đây, bệnh viện cũng ghi nhận bệnh nhân tái nhiễm nhưng số lượng này khá ít. Lần thứ 2 mắc Covid-19 cũng thường nhẹ nhàng hơn lần đầu.
Đức Anh - Phương Anh