'Fan nửa mùa' cũng đâu có sao

Tại World Cup Qatar 2022, sự 'trung thành' của cổ động viên gần như thay đổi theo từng giờ, nhưng điều đó không đồng nghĩa họ không cuồng nhiệt với bóng đá.

Đêm trước World Cup ở Qatar, một đoạn video về khoảng 20 người đàn ông gốc Nam Á mặc áo tuyển Anh đã lan truyền chóng mặt. Cả nhóm vấp váp theo bài “Three Lions”, bài hát chủ đề bóng đá không chính thức của đất nước, và tung vẫy lá cờ của tuyển Anh.

Ngay lập tức, người ta hoài nghi về những người trong đoạn video. Một số người thẳng thừng gọi họ là “fake fans”, hay "fan giả", cho rằng họ được ban tổ chức thuê để khuấy động bầu không khí “khiêm tốn” trước giải đấu.

Qatar đã tài trợ cho những người ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự sự kiện này, như một lời cảm ơn vì sự “tham gia” của họ trong thời gian chuẩn bị cho World Cup.

Tuy nhiên, nhóm cổ động viên trên khẳng định không ai trong số họ nhận bất cứ đồng nào để đi cổ vũ. Ở Doha, cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, người hâm mộ bóng đá dường như rất “linh hoạt”, mà theo ngôn ngữ giới trẻ Việt Nam là "fan nửa mùa".

Những cổ động viên "linh hoạt"

Trong giải đấu này, phóng viên Josh Noble của Financial Times đưa tin từ Qatar mô tả anh đã chứng kiến rất nhiều gia đình ủng hộ các đội khác nhau, đặc biệt là trong cộng đồng công nhân nhập cư. Mẹ có thể mặc áo Brazil, cha mặc áo đen trắng của Đức, trong khi những đứa trẻ mặc áo xanh hải quân "Les Bleus" của Pháp.

Ngay cả một số cá nhân cũng tỏ ra linh hoạt. Người ta có thể phát hiện thấy ai đó phủ trên vai và lưng họ lá cờ Saudi Arabia, che lấp lớp áo của Bồ Đào Nha hoặc Argentina.

Đối với những người coi bóng đá là sự trung thành với một đội tuyển, hình thức hâm mộ này có vẻ khó chấp nhận. Nếu bóng đá là vấn đề về bản sắc - dù là cá nhân hay quốc gia - thì làm sao ai đó có thể cổ vũ cho Argentina lúc 13h, rồi mặc áo vàng của đối thủ Brazil vài giờ sau đó?

Nhưng dù muốn hay không, đây là trò chơi hiện đại. World Cup này đã cho thấy một cái nhìn khác về bóng đá, nơi các đội tuyển quốc gia giống như những thương hiệu mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng, và nơi sở thích có thể dựa trên tâm trạng hoặc hoạt động tiếp thị.

Khi FIFA nói về một “World Cup cho mọi người”, đây là ý nghĩa của nó trong thực tế.

Hàng triệu người hâm mộ trên khắp thế giới, từ Singapore đến Cincinnati, đã biến bóng đá thành một ngành kinh doanh khổng lồ.

Các cổ động viên, trông như người gốc Nam Á, cổ vũ các đội tuyển Brazil, Argentina. Họ bị một số người cho là "fake fan". Ảnh: Gulf Times.

Các cổ động viên, trông như người gốc Nam Á, cổ vũ các đội tuyển Brazil, Argentina. Họ bị một số người cho là "fake fan". Ảnh: Gulf Times.

Giải Ngoại hạng Anh lần này dự kiến tạo ra 1,8 tỷ bảng thu nhập từ việc phát sóng quốc tế, vượt mức 1,7 tỷ bảng thu được từ thị trường quê nhà. Các câu lạc bộ thuộc sở hữu của giới giàu có chủ quyền của Saudi Arabia, có vốn cổ phần tư nhân của Mỹ và hoàng gia Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Nhiều người hâm mộ ở Qatar không có lựa chọn nào khác ngoài việc theo dõi đội tuyển quốc gia khác khi đội nhà của họ sớm phải dừng chân.

Đội tuyển của Bangladesh, Ấn Độ, Uganda, Kenya, Pakistan, Philippines sẽ không chơi ở đây, vì vậy hàng trăm nghìn công nhân nhập cư ở Qatar từ các quốc gia đó đang phân nhánh. Những người khác có thể có một đội mà họ muốn theo dõi, nhưng với việc Qatar cung cấp cho họ cơ hội xem nhiều trận đấu mỗi ngày, ngay cả những người hâm mộ trung thành cũng “ngoại tình”.

Trong các câu lạc bộ, từng cầu thủ là một thỏi nam châm. Đặc biệt, trong các cuộc trò chuyện của người hâm mộ trẻ - biết đến bóng đá qua các giải đấu giả tưởng, TikTok và trò chơi điện tử - tâm điểm được nhắc đến là những cầu thủ có xếp hạng cao nhất, chứ không phải những chiến thắng và thất bại trong quá khứ.

Đội tuyển Bồ Đào Nha có 11,9 triệu người theo dõi trên Instagram, trong khi Cristiano Ronaldo - cầu thủ ngôi sao của đội - có 506 triệu người theo dõi. Ronaldo được ví như “Nàng Mona Lisa” trong bóng đá. Mọi người đổ về từ khắp nơi trên thế giới chỉ để có cơ hội khoe khoang với người quen của mình ở quê nhà rằng họ đã nhìn thấy cầu thủ hàng đầu thế giới bằng xương bằng thịt.

Shanvas, một tài xế Uber, là người hâm mộ cầu thủ chứ không phải đội bóng, và cũng là một cổ động viên “linh hoạt”. Một buổi chiều, khi Noble hỏi vị tài xế ủng hộ đội bóng nào, anh trả lời mình từng ủng hộ Wayne Rooney. Bây giờ anh theo Lionel Messi.

Niềm đam mê không thể giả

Việc những người hâm mộ theo kiểu trung thành gọi người hâm mộ “linh hoạt” là “fan nửa mùa” rốt cuộc đang phá hỏng bầu không khí của các giải đấu. Dẫu vậy, nếu xét tình yêu dành cho chính bản thân môn thể thao, niềm đam mê của họ cuối cùng vẫn không thể là giả.

World Cup luôn có yếu tố du lịch. Trên tàu điện ngầm Doha, người ta vẫn có thể nhìn thấy cổ động viên Nhật Bản ăn mặc như những chiến binh samurai. Ai đó cũng có thể dễ dàng phát hiện một chiếc mũ đuôi seo đỏ của Morocco trôi trong một biển mũ rộng vành của Mexico.

 Người hâm mộ Nhật Bản tại Doha, Qatar, trước trận đấu World Cup với Đức, ngày 23/11. Ảnh: Reuters.

Người hâm mộ Nhật Bản tại Doha, Qatar, trước trận đấu World Cup với Đức, ngày 23/11. Ảnh: Reuters.

Tại đây, Noble tình cờ gặp bốn cổ động viên mặc áo màu vỏ quýt và vẽ trên mặt lá cờ Hà Lan, nhưng họ đến từ Cairo. Đội Ai Cập đã không thể vượt qua vòng loại, nhưng với giải đấu diễn ra ngay gần bên, họ quyết định bay đến đây thưởng thức không khí trong một tuần. Họ dự định trở lại khu vực tàu điện ngầm này vào ngày hôm sau, nhưng mặc trang phục màu xanh và trắng của Argentina.

Một cảnh tương tự diễn ra trên đoàn xe buýt đông đảo của cổ động viên.

Tại đó, Noble gặp Abdullah, một kỹ sư ở Riyadh, đến Doha để theo dõi đội Saudi Arabia. Nhưng tối hôm đó, anh lên đường cổ vũ cho trận Tây Ban Nha gặp Costa Rica.

Trong vài phút gặp gỡ, Abdullah hỏi vị phóng viên về tình hình mắt cá chân của Harry Kane thuộc câu lạc bộ Tottenham Hotspur của Anh. Khi Noble nói rằng mình là cổ động viên của câu lạc bộ Crystal Palace, anh chàng kia dễ dàng đáp chuyện rằng cầu thủ Wilfried Zaha của đội đó là một tài năng tuyệt vời, nhưng “tâm lý của anh ta không tốt”.

Người được chú ý hơn cả Messi, Ronaldo ở World Cup Qatar Một nhân viên chỉ đường đến ga điện ngầm ở Qatar đã trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội với phong cách chỉ dẫn thú vị và sự tử tế với người hâm mộ.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dieu-khac-thuong-o-world-cup-qatar-post1380961.html