FDI và vốn quỹ – Động lực bứt phá giúp Việt Nam tiến vào kỷ nguyên phát triển mới
Năm 2024, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 62,5% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt 31,5% GDP... Cùng với đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 25,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,4% so với năm trước. Những kết quả này đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP đạt 7,09%, đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam lên 476,3 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 33 trên thế giới.
FDI và vốn quỹ đóng vai trò quan trọng cho phát triển
Phát biểu tại hội nghị "Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam" do Bộ Tài chính tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế xã hội với chính sách nhất quán là đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, thu hút có hiệu quả cả nguồn vốn trong nước và quốc tế.

Nguồn vốn FDI và vốn quỹ là động lực cho Việt Nam phát triển trong kỷ nguyên mới. (Ảnh minh họa)
Năm 2024 đánh dấu một năm thành công của nền kinh tế và thị trường vốn với tổng mức vốn huy động đạt gần 930 nghìn tỷ đồng, cao gấp 1,3 lần so với năm trước, tương đương 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 62,5% GDP; dư nợ thị trường trái phiếu đạt 31,5% GDP; nhà đầu tư nước ngoài đã mở gần 48.000 tài khoản đầu tư với tổng giá trị giao dịch gần 1,1 triệu tỷ đồng.
Cùng với sự tăng trưởng của vốn đầu tư gián tiếp, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2024 đạt 25,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,4% so với năm trước, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Những kết quả này đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng GDP đạt 7,09%, đưa quy mô nền kinh tế Việt Nam lên 476,3 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 33 trên thế giới.

Vẫn còn nhiều dư địa cho ngành quỹ phát triển.
Về mục tiêu tăng trưởng năm 2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo quyết tâm khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng mọi nguồn lực để phát triển, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên, tạo tiền đề phát triển ở mức hai con số trong thời gian tới nhằm sớm đưa đất bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Để đạt được các mục tiêu này, bên cạnh những giải pháp về sắp xếp, tinh gọn nâng cao hiệu quả hiệu lực của bộ máy hành chính, chúng tôi đặt trọng tâm vào việc huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó có nguồn vốn đầu tư thông qua các quỹ đầu tư và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chia sẻ về dư địa cho các quỹ đầu tư phát triển tại Việt Nam, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, bên cạnh những thành quả đã đạt được, ngành quỹ tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để mở rộng, khi tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ mới chỉ chiếm gần 6% GDP, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực. Số lượng nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỉ lệ lớn, nên thị trường dễ bị biến động theo tâm lý của nhà đầu tư.
Đồng thời, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, việc thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành quỹ không chỉ giúp thu hút dòng vốn dài hạn mà còn góp phần xây dựng một cơ sở nhà đầu tư ổn định và bền vững hơn.
Việt Nam – “ngôi sao đang lên” cho FDI và vốn Quỹ
Theo ông Jeong Jihoon, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), trong bối cảnh dòng vốn đầu tư vào nhiều quốc gia trên thế giới đang chững lại, Việt Nam vẫn duy trì mức thu hút FDI ấn tượng. Đặc biệt, Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ các yếu tố như vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng đầu tư mạnh, chính sách hỗ trợ đầu tư vào R&D, đồng thời ưu đãi mạnh mẽ cho ngành công nghệ thông tin và công nghệ cao…
Với những lý do nêu trên, các doanh nghiệp trên thế giới, đặc biệt là nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, đánh giá cao tiềm năng đầu tư FDI vào Việt Nam và coi đây là một trong những ưu tiên hàng đầu khi xem xét mở rộng đầu tư ra nước ngoài.
Ông Jeong Jiho cũng khẳng định, Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng đối với Hàn Quốc và các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc, và điều này cũng đúng với Việt Nam cũng như nền kinh tế Việt Nam. Trong nhiều thập kỷ qua, Hàn Quốc và Việt Nam đã không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển bền vững. Chúng tôi hy vọng rằng mối quan hệ này sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai. Đồng thời, mong rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ không chỉ các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc mà còn toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp FDI, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Các chuyên gia nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên thế giới.
Cùng đánh giá, ông Yee Chung Seck, Đồng Trưởng nhóm công tác Đầu tư và Thương mại VBF cho cũng cho rằng, FDI toàn cầu đang biến động đáng kể trong thập kỷ qua (đặc biệt là do đại dịch Covid-19) và đang có sự phục hồi mạnh mẽ. Những ngành hưởng lợi nổi bật từ sự hồi sinh FDI phải kể đến là kinh tế kỹ thuật số, năng lượng tái tạo và các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe…
Ông Yee Chung Seck nhận định, Việt Nam là một ngôi sao đang lên trong nền kinh tế toàn cầu và quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trên toàn thế giới khi đứng trước nhiều lợi thế như vị trí chiến lược, lực lượng lao động trẻ và năng động và sự tham gia gần đây của Việt Nam vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác nhau. Các thỏa thuận này tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và tạo điều kiện thuận lợi cho FDI…
Tính đến cuối tháng 2/2025, Việt Nam đã thu hút 42.478 dự án FDI từ 149 quốc gia, với tổng vốn đăng ký đạt 507,326 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu về đầu tư vào Việt Nam với 10.137 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 91,92 tỷ đô la Mỹ.