Fed có thêm lý do để trì hoãn việc cắt giảm lãi suất
Dữ liệu mới về lạm phát và thất nghiệp đã giúp các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thêm lý do để trì hoãn việc cắt giảm lãi suất, ngay cả khi doanh số bán lẻ cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng đang chậm lại.
Theo các số liệu được công bố trong tuần này, chỉ số giá sản xuất của Mỹ đã cao hơn dự báo trong tháng 2 và có ít người nộp đơn nhận trợ cấp thất nghiệp hơn so với dự báo, theo sau dữ liệu đầu tuần cho thấy giá tiêu dùng cơ bản cũng tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng trước.
Trong khi một số liệu khác cho thấy chi tiêu tiêu dùng khởi đầu năm mới yếu hơn, thì lạm phát mạnh và dữ liệu lao động ủng hộ quan điểm của các nhà hoạch định chính sách rằng họ cần phải đạt được nhiều tiến bộ hơn trước khi giảm chi phí đi vay. Các quan chức Fed được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong hai thập kỷ trong cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Chris Low và Mark Streiber, nhà phân tích của FHN Financial cho biết: “Khi Fed đang dự tính thực hiện một loạt đợt cắt giảm lãi suất và phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng kinh tế đột ngột chậm lại và lạm phát đột ngột tăng cao, họ sẽ luôn phản ứng với những tin tức mới về khía cạnh lạm phát… Miễn là lạm phát bán buôn ổn định hoặc tăng cao hơn và áp lực lạm phát bán lẻ vẫn tiếp tục, việc tạm dừng tăng lãi suất của Fed sẽ tiếp tục”.
Lạm phát phần lớn đã giảm bớt trong khoảng một năm qua, đặc biệt là do giá hàng hóa và năng lượng giảm. Nhưng chỉ số giá tiêu dùng và giá sản xuất mới nhất đã cho thấy tiến độ đang bị đình trệ, hoặc thậm chí có thể đảo ngược.
Các nhà kinh tế tại Nomura cũng đã thay đổi dự báo về việc Fed cắt giảm lãi suất trong năm nay, với lần cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 7 và lần thứ hai vào tháng 12, so với lời dự báo cắt giảm 3 lần trước đó bắt đầu từ tháng 6.
Stephen Stanley, nhà kinh tế trưởng tại Santander US Capital Markets dự đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất lâu hơn nhiều so với các nhà kinh tế khác - cho đến tháng 11.
“Sáu tuần trước, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đang tìm kiếm niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang quay trở lại mức 2% và kể từ đó, chúng tôi không nhận được gì ngoài những tin xấu về mặt lạm phát", ông cho biết.
“Doanh số bán lẻ trong tháng 2 cho thấy động lực chi tiêu đang yếu dần, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ. Dữ liệu nhìn chung phù hợp với đánh giá của chúng tôi về triển vọng tăng trưởng tiêu dùng - đó là tốc độ chi tiêu nhanh chóng phần lớn đã ở phía sau và một giai đoạn tăng trưởng chậm hơn đang ở phía trước”, Estelle Ou, nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.
Trong khi sức mạnh gần đây của lạm phát và dữ liệu việc làm đã đưa ra câu chuyện rằng nền kinh tế đang tăng tốc trở lại, thì dữ liệu bán lẻ lại đẩy lùi ý tưởng đó. Dữ liệu mua bán lẻ chưa được điều chỉnh theo lạm phát, đã tăng ít hơn dự báo trong tháng 2 sau khi điều chỉnh giảm so với hai tháng trước.
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho biết: “Báo cáo doanh số bán lẻ tháng này ủng hộ quan điểm của chúng tôi rằng nền kinh tế vẫn mạnh nhưng đang giảm tốc…Không có lý do gì để Fed vội vàng thực hiện động thái lãi suất tiếp theo”.