Fed giữ nguyên lãi suất: Giá vàng, tỷ giá sẽ ra sao?

Sau cuộc họp chính sách thường kỳ vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại (5,25%-5,50%), đồng thời dự báo chỉ cắt giảm lãi suất một lần duy nhất trong năm nay. Những thay đổi này tác động thế nào tới giá vàng và tỷ giá trong nước?

Tại Việt Nam, giá vàng chịu nhiều tác động bởi tỷ giá, lạm phát, kinh tế vĩ mô… Trong khi đó, câu chuyện tỷ giá hiện cũng là vấn đề đang được quan tâm tại thị trường trong nước khi tỷ giá VND/USD vẫn neo ở mức cao. Do đó, việc duy trì sự ổn định của hai thị trường này là nội dung quan trọng trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Thu hẹp chênh lệch giá vàng

Sau tuyên bố của Fed, giá vàng thế giới đi xuống. Cụ thể, một ngày sau khi Fed tuyên bố giữ nguyên lãi suất, giá vàng thế giới đã quay đầu giảm và mất đi gần hết mức tăng có được trong ngày hôm trước. Giá vàng giao ngay ngày 13/6 ở mức 2.314 USD/ounce.

Tỷ giá được dự báo sẽ không vượt qua 26.000 VND/USD.

Tỷ giá được dự báo sẽ không vượt qua 26.000 VND/USD.

Giá vàng thế giới giảm cũng hỗ trợ cho nỗ lực bình ổn giá vàng miếng SJC tại Việt Nam của NHNN. Thực tế, gần đây, nhà điều hành đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt giá vàng, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế.

Sau khi NHNN bán vàng miếng SJC cho người dân có nhu cầu thông qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC, giá vàng miếng đã hạ từ mức 90,5 triệu đồng/lượng xuống mức 76,98 triệu đồng/lượng (bán ra), cao hơn giá thế giới quy đổi gần 5,1 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng).

Theo nhận định của các chuyên gia, giá vàng trong nước trong thời gian tới sẽ biến động theo giá vàng thế giới, nhưng khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới sẽ không còn tình trạng cao hơn từ 15-19 triệu đồng/lượng như trước đó.

NHNN khẳng định có đủ nguồn lực và quyết tâm để bình ổn thị trường, kiểm soát mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp, người dân cần đề cao cảnh giác, tránh bị tác động, lợi dụng bởi các đối tượng có dụng ý xấu.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, việc giá vàng trong nước cách biệt quá xa so với giá vàng thế giới thời gian qua, có thời điểm cao hơn khoảng 20%, dẫn đến nguy cơ có thể vàng được nhập lậu, ngoại tệ bị chảy máu.

Khi NHNN thông báo việc bán vàng cho các ngân hàng đã nêu rõ, mức giá sẽ do NHNN xác định căn cứ theo giá thế giới bởi mục tiêu là để giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Vì vậy, các ngân hàng không thể bán theo giá vàng thị trường.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Chính phủ và NHNN đang đi đúng hướng trong bình ổn thị trường vàng, song cần các giải pháp quyết liệt, rốt ráo hơn nữa. Theo chuyên gia này, các giải pháp hiện nay vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, cần tăng cung hợp lý cho thị trường vàng, cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện được nhập khẩu vàng.

Theo tính toán của Hội đồng Vàng thế giới, cầu vàng của Việt Nam mỗi năm khoảng 50 tấn, tức nếu nhập khẩu sẽ cần khoảng 3 tỷ USD - "con số không phải quá ghê gớm". Ngoài ra, ông Lực cho rằng NHNN cũng nên bỏ độc quyền xuất nhập khẩu vàng và độc quyền sản xuất vàng, đồng thời sửa đổi toàn diện Nghị định 24/2012/NĐ-CP.

“Tóm lại, với thị trường vàng, NHNN nên khu trú lại để quản lý. NHNN chỉ nên quản lý vàng miếng vì liên quan đến ngoại hối, còn vàng trang sức mỹ nghệ thì nên để thị trường tự điều tiết”, ông Lực nói.

Tỷ giá sẽ không vượt quá 26.000 VND/USD?

Sau tuyên bố của Fed, đồng USD ngừng giảm và “đứng” ở mức cao. TS.Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng không cần lo lắng về tỷ giá.

Theo chuyên gia này, tỷ giá sẽ không vượt qua 26.000 VND/USD bởi khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 7/2024. Cho dù việc cắt giảm lãi suất diễn ra vào tháng 7 hay tháng 9 thì USD vẫn trong xu hướng giảm giá. Khi Fed cắt giảm lãi suất, USD Index sẽ giảm xuống 100 điểm. Do đó, Việt Nam không cần thiết phải nâng lãi suất để giữ ổn định tỷ giá.

“USD sẽ giảm giá ít nhất từ nay đến năm 2027 và USD Index đi quanh ngưỡng 95-105 điểm, không còn tăng cao hơn nữa. Lãi suất của Fed sẽ giảm xuống mức 2,75-3% trong vòng 3 năm nữa. Vì thế, VND nên mất giá ở mức độ xấp xỉ với tốc độ lạm phát. Theo đó, mặt bằng lãi suất cần xoay quanh mức CPI cộng với biên độ khoảng 3-4%”, ông Phước phân tích.

“Nếu xem tỷ giá là đường ruột thì kháng sinh liều cao là lãi suất. Nếu đẩy lãi suất lên cao để trị lạm phát, tỷ giá thì quá đơn giản, nhưng cái giá phải trả là nền kinh tế đang cần chi phí vốn rẻ. Điều mà tôi muốn nói là đừng sử dụng thuốc kháng sinh liều cao để chữa bệnh đường ruột", chuyên gia này ví von.

Mặc dù vậy, ông Phước lại nhấn mạnh, cần đánh giá lại chính sách lãi suất USD 0%, bởi đây là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam luôn bị áp lực với tỷ giá.

Cũng liên quan tới tỷ giá, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB thông tin: "Nửa cuối năm, tỷ giá sẽ tiếp tục biến động, chủ yếu do chính sách sắp tới của Fed là chưa chắc chắn. Việc cắt giảm lãi suất của Fed sẽ gây áp lực giảm giá đối với đồng USD và do đó VND tăng giá. Hiện tại, dự báo của chúng tôi về tỷ giá sẽ tăng lên mức 24.800-25.000 VND/USD vào cuối năm 2024".

Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định, NHNN sẽ thực hiện chính sách lãi suất ổn định trong thời điểm hiện tại do NHNN thận trọng trong bối cảnh môi trường bên ngoài không chắc chắn. "Điều này một phần nhằm chống lại áp lực giảm giá của VND và cũng nhằm ứng phó với áp lực lạm phát ở Việt Nam, với chỉ số CPI đang nhích dần về mục tiêu 4,50%. Nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát ở Việt Nam trong những tháng gần đây là do giá lương thực tăng, có thể do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu ở khu vực Biển Đỏ, cũng như thời tiết/khí hậu bất lợi ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, trong khi nhu cầu trong nước đang trong giai đoạn phục hồi", ông Suan Teck Kin chỉ rõ.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/fed-giu-nguyen-lai-suat-gia-vang-ty-gia-se-ra-sao-1100397.html