Fed nên tập trung vào lạm phát
Trong các phát biểu mới đây, nhiều quan chức Fed tiếp tục bày tỏ lo ngại, thuế quan của ông Trump có thể đẩy lạm phát tăng. Từ đó các quan chức này khuyến nghị Fed nên thận trọng, thậm chí một quan chức khuyến nghị Fed nên tập trung vào lạm phát.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, vẫn còn quá sớm để biết phản ứng chính xác của chính sách tiền tệ.
Phát biểu một lớp kinh tế của Đại học Harvard hôm 7/4, Thống đốc Fed Adriana Kugler cho biết, một số mức tăng gần đây trong lạm phát hàng hóa và dịch vụ có thể được "dự đoán" là tác động của thuế quan của chính quyền ông Trump, đồng thời nói thêm rằng Fed nên tập trung vào việc kiểm soát lạm phát.
“Chúng ta nên ưu tiên đảm bảo rằng lạm phát không tăng”, Kugler phát biểu khi kết thúc bài giảng về động lực lạm phát tại Harvard. Bà lưu ý rằng kỳ vọng lạm phát ngắn hạn đã tăng nhưng về lâu dài, chúng vẫn được neo giữ tốt.
"Chúng tôi muốn duy trì như vậy", bà nói. “Chúng tôi, tất cả các đồng nghiệp tại Fed, vẫn rất cam kết với mục tiêu 2% của mình và muốn giữ kỳ vọng lạm phát được neo giữ tốt, đây nên là ưu tiên hàng đầu hiện nay”.
Fed đã giữ nguyên lãi suất chính sách trong phạm vi 4,25%-4,50% kể từ tháng 12/2024, khi Fed thực hiện đợt cắt giảm lãi suất cuối cùng trong một loạt đợt cắt giảm nhằm đảm bảo rằng chính sách tiền tệ không quá hạn chế trước tình hình lạm phát đang giảm.
Tuy nhiên kể từ đầu năm, tiến độ hướng tới mục tiêu lạm phát 2% của Fed đã chững lại, thậm chí các thước đo lạm phát cơ bản đã tăng lên, được thúc đẩy bởi giá hàng hóa cốt lõi và lạm phát dịch vụ thị trường.
Đồng thời, Kugler cho biết, hoạt động kinh tế trong quý đầu tiên có thể mạnh hơn dự kiến, vì các hộ gia đình đổ xô mua những thứ như ô tô trước khi có mức thuế quan được dự đoán rộng rãi.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một loạt các khoản thuế nhập khẩu cao hơn nhiều so với dự kiến đối với nhiều quốc gia trên thế giới, khiến cổ phiếu toàn cầu lao dốc vì lo ngại suy thoái và làm tăng kỳ vọng rằng Fed sẽ hạ lãi suất để giảm bớt tác động cho kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên cho đến nay, các quan chức Fed vẫn chưa đưa ra lý do gì khiến họ thiên về hướng đó. Trong phát biểu mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng nói rằng, thuế quan làm tăng khả năng tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao hơn, nhưng vẫn còn quá sớm để biết phản ứng chính xác của chính sách tiền tệ.
Sự không chắc chắn đang có xu hướng gia tăng khi mà nhiều sối tác thương mại lớn đã và đang lên kế hoạch áp thuế trả đũa, trong khi ông Trump đe dọa sẽ tiếp tục nâng thuế quan nếu các nước này trả đũa. Điều đó càng khiến cho Fed thêm thận trọng.
Khi được một sinh viên Harvard hỏi về mối đe dọa đó, Kugler nói, và nhắc lại nhiều lần để nhấn mạnh, rằng bà sẽ không bình luận về những phát biểu của Trump, hoặc về tính khả thi của chính sách, hoặc về diễn biến thị trường tài chính ngắn hạn, hoặc về chính sách tài khóa hoặc thương mại nói chung.
Nhưng khi được một sinh viên khác hỏi về nỗi sợ của cha mẹ họ rằng thuế quan sẽ làm tăng giá trứng, váy áo và các mặt hàng khác, Kugler đã nghiêng về nhu cầu chống lạm phát.
Mặc dù vẫn chưa biết các doanh nghiệp sẽ chuyển bao nhiêu chi phí cao hơn từ mức thuế quan mới sang người tiêu dùng, bà cho biết, “tôi hiểu rằng điều đó thật đau đớn, đó chính xác là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần tập trung vào điều đó”.
Tương tự, Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee khi trả lời phỏng vấn CNN hôm thứ Hai (7/4) cũng cho biết các doanh nghiệp đang lo lắng về thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng Fed sẽ cần xem xét “dữ liệu cứng” trong phản ứng chính sách của mình.
“Điều đáng lo ngại là nếu những mức thuế quan này lớn như những gì đang bị đe dọa ở phía Mỹ, và nếu có sự trả đũa lớn, và sau đó nếu có sự trả đũa lại một lần nữa, thì điều đó có thể đưa chúng ta trở lại loại điều kiện mà chúng ta đã thấy vào năm 21 và 22 khi lạm phát hoành hành ngoài tầm kiểm soát”, Goolsbee cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận sự không chắc chắn xung quanh kết quả và khả năng các cuộc đàm phán có thể dẫn đến các thỏa thuận thương mại mới và tránh được mức thuế quan hơn 100%, ám chỉ đến lời cam kết của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent về "thời kỳ hoàng kim của thương mại".
Goolsbee cho biết sự lo lắng hiện tại có thể thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp, điều này có thể đòi hỏi Fed phải phản ứng. Tuy nhiên, bản chất chính xác của phản ứng đó sẽ phụ thuộc vào cách giá cả và tăng trưởng kinh tế biến động và thời gian kéo dài của các xu hướng đó.
“Nhiệm vụ của chúng tôi là xem xét dữ liệu cứng”, Goolsbee cho biết. “Và nếu chúng ta có điều gì đó vừa làm suy yếu tăng trưởng kinh tế vừa đẩy giá lên cao - nghĩa là, điều gì đó gây ra tình trạng đình lạm - thì không có câu trả lời chung nào cho việc Fed nên làm gì để ứng phó với điều đó”.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/fed-nen-tap-trung-vao-lam-phat-162423.html