Fed tăng lãi suất, TTCK Việt Nam không chịu ảnh hưởng
Fed tăng lãi suất có thể tác động mạnh đến chứng khoán Mỹ, nhưng TTCK Việt Nam đang có sự lệch pha và nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào việc tham gia giao dịch mà không lo ngại về sự ảnh hưởng của Fed.
Chứng khoán Mỹ giảm, ngân hàng lao đao
Theo CNBC, hợp đồng tương lai của S&P 500 đã giảm sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản và nỗi lo sợ của các nhà đầu tư về sự lây lan trong khủng hoảng ngân hàng quay trở lại.
Chứng khoán Mỹ đóng cửa thấp hơn trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, với chỉ số Dow Jones giảm 270 điểm, tương đương 0,8%; S&P 500 giảm 0,7% và Nasdaq Composite mất khoảng 0,5%.
Cổ phiếu PacWest Bank đã giảm hơn 50% trong giờ giao dịch. Sự sụt giảm xảy ra sau khi có tin ngân hàng này đang đánh giá các lựa chọn chiến lược, bao gồm cả khả năng “bán mình”. Cũng như các ngân hàng địa phương khác, giá trị của các khoản cho vay và trái phiếu tại PacWest mất giá trầm trọng trong môi trường lãi suất tăng mạnh.
Trước đó, khách hàng đã đổ xô rút tiền gửi trong tháng 3/2023 vì sợ ngân hàng sẽ sụp đổ và họ sẽ mất tiền. Tình trạng này tạo rắc rối lớn cho PacWest và các ngân hàng địa phương khác. Nếu khách hàng cứ tiếp tục rút tiền, họ có thể không còn thanh khoản để trả. Điều này khiến nhà đầu tư lo ngại và đẩy giá cổ phiếu PactWest sụt 72% từ đầu năm 2023 đến nay.
Bên cạnh đó, cổ phiếu ngân hàng Western Alliance cũng giảm 23% và Zions Bancorporation giảm khoảng 10%. Jeffrey Gundlach, Giám đốc điều hành của DoubleLine cho biết, có khả năng sẽ không có thời gian nghỉ ngơi cho khu vực ngân hàng đang gặp khó khăn, cho đến khi Fed cắt giảm lãi suất. “Việc để lãi suất ở mức cao này sẽ tiếp tục gây ra tình trạng căng thẳng. Tôi tin rằng, với xác suất rất cao sẽ có thêm nhiều vụ phá sản ngân hàng khu vực”.
Có thể thấy, khi Fed đẩy mạnh lần tăng lãi suất thứ 10 trong chu kỳ này, ngân hàng trung ương dường như đã “bồ câu” hơn về các lần tăng lãi suất trong tương lai, nhưng Chủ tịch Fed - Jerome Powell - đã nói có thể còn quá sớm để cắt giảm. “Chúng tôi có quan điểm lạm phát sẽ không giảm nhanh như vậy, sẽ mất một thời gian. Nếu dự báo đó là đúng, thì việc cắt giảm lãi suất sẽ không phù hợp và Fed sẽ không cắt giảm lãi suất”, ông Powell nhấn mạnh trong cuộc họp báo sau cuộc họp của FOMC.
Ông Phan Linh, Nhà sáng lập Take Profit phân tích, trong bối cảnh một số ngân hàng ở Mỹ đổ vỡ, giới đầu tư đã tin rằng Fed sẽ phải sớm kích thích kinh tế trở lại. Tuy nhiên, ông Powell vẫn khẳng định việc đầu tiên phải là chống lạm phát và chấp nhận hy sinh tăng trưởng kinh tế.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ hiện nay đang khá thấp cho thấy việc toàn dụng nhân công, đặc biệt Mỹ là nước có tỷ lệ đóng góp GDP và dịch vụ nhiều, chi phí lương rất cao. Vì vậy nếu thất nghiệp thấp, thì chi phí lương vẫn ở mức cao và dù tác động chính sách có độ trễ, nhưng nếu lạm phát vẫn ở mức cao thì sẽ rất khó để Fed đảo chiều chính sách.
“Với môi trường lãi suất cao như vậy, chắc chắn sẽ có sự đổ vỡ nhất định, những doanh nghiệp có đòn bẩy cao sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên. Khi đó, quá trình xử lý đáy diễn ra nếu những doanh nghiệp không chịu được lãi suất cao dẫn đến phá sản, họ có thể bị mua lại, M&A hoặc bán bớt tài sản để cơ cấu lại và một chu kỳ mới sẽ bắt đầu”, ông Linh nói.
Thị trường trong nước lệch pha
Đối với thị trường chứng khoán trong nước, vị chuyên gia cũng nhìn nhận, việc tăng lãi suất 0,25% của Fed vốn đã được thị trường dự báo trước đó. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn này không còn phản ứng quá mạnh trước các thông tin từ Fed.
Thậm chí, gần như đang có sự lệch pha giữa thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường Việt Nam. Điển hình là thị trường Mỹ giai đoạn vừa rồi tăng rất tốt, nhưng thị trường trong nước đã giảm 15 - 16 phiên. Vì vậy, khi Fed tăng 0,25% lãi suất sẽ tác động tương đối mạnh đến thị trường Mỹ và thị trường quốc tế, trong đó, Dow Jones đã có 3 phiên giảm và giá dầu cũng có những phiên giảm rất mạnh.
Chúng ta đều thấy trong cuộc họp vừa qua, ông Powell đã phát biểu mục tiêu chính của Fed vẫn là kiềm chế lạm phát và làm thế nào để đưa lạm phát mục tiêu về mức 2%, còn hiện tại lạm phát của Mỹ vẫn ở mức 5%, được xem là quá cao.
Chủ tịch Fed cho biết thêm, sau lần nâng lãi suất này nếu ổn thì sẽ duy trì mức lãi suất như vậy trong một thời gian và chỉ hạ khi nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu suy thoái cũng như cần kích thích. Điều đó chứng tỏ, giai đoạn tăng lãi suất đã ở chặng cuối, nhưng trong các biên bản họp, Fed đều căn cứ vào số liệu thực tế về thất nghiệp, tăng trưởng rồi mới đưa ra quyết định tăng nữa hay không và tăng mức bao nhiêu.
“Theo quan điểm của tôi, việc tăng lãi suất mạnh sẽ không còn, nếu có sẽ tăng nhẹ hoặc đi ngang và chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào việc tham gia giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam mà không lo ngại từ việc ảnh hưởng của Fed”, ông Linh phân tích.
Trao đổi với phóng viên, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích CTCK VNDirect bày tỏ sự lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5. Với hàng loạt các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như các chính sách thúc đẩy tăng trưởng sẽ đồng thời thẩm thấu đến thị trường chứng khoán trong tháng này.
“Bên cạnh đó, lãi suất đang hạ nhiệt, giúp cho thị trường dần trở thành một kênh đầu tư có hiệu quả sinh lời hấp dẫn hơn. Bức tranh kết quả kinh doanh kém hiệu quả trong quý 1/2023 đã phản ánh hầu hết vào diễn biến giá cổ phiếu trong thời gian gần đây. Vì vậy, tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu tích lũy cổ phiếu”, bà Hiền khuyến nghị.