Fed tăng lãi suất và mối nguy các nước nghèo
Phiên họp ngày thứ hai tuần trước 14-2 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã thu hút rất nhiều sự chú ý của thị trường trong bối cảnh lạm phát tăng mạnh ở Mỹ và căng thẳng ở Ukraine. Nhiều dự đoán cho rằng Fed sẽ tăng 50 điểm phần trăm (0,5%) vào tháng 3 tới đây.
Tuy vậy, có một vấn đề khác cũng đáng quan tâm không kém, mỗi lần Fed tăng bao nhiêu điểm phần trăm là đến cuối năm khi lãi suất tăng 1,5% hoặc hơn thì các nước nghèo sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Tăng bao nhiêu điểm phần trăm?
Kết quả của cuộc họp Fed vừa qua vẫn là bí mật và thị trường cứ đưa ra nhiều phỏng đoán khác nhau. Một số cho rằng Fed sẽ tăng 50 điểm phần trăm vào tháng 3, số còn lại là 35 điểm phần trăm, và xác suất cao hơn đang ở nhóm thứ hai.
Nhưng dù là con số nào đi nữa thì Fed cũng sẽ tăng lãi suất trong năm nay, dự kiến tăng tối đa 2% trong năm 2022, và sẽ đạt đỉnh vào giữa năm 2023.
Hiện các ngân hàng đầu tư lớn toàn cầu cũng vừa cập nhật dự báo lộ trình tăng lãi suất của Fed. Ngân hàng Morgan Stanley, ngân hàng UBS và ngân hàng BNP Paribas dự báo Fed sẽ tăng 6 lần, và mỗi lần là 25 điểm phần trăm; ngân hàng Citi dự báo tăng 150 điểm phần trăm trong năm 2022 và bắt đầu bằng 50 điểm phần trăm vào tháng 3; ngân hàng Credit Suisse dự báo năm 2022 tăng tổng cộng là 175 điểm phần trăm, riêng tháng 3 là tăng 50 điểm phần trăm.
Lạc quan nhất là ngân hàng Societe Generale và Barclays với 5 lần, mỗi lần 25 điểm phần trăm bắt đầu vào tháng 3, và bi quan nhất là HSBC với 5 lần mỗi lần 50 điểm phần trăm.
Mối nguy với nước nghèo
Việc tăng lãi suất của Fed sẽ khiến cho nhiều nước nghèo khó khăn chồng chất khó khăn với các khoản nợ của mình. Bởi lẽ giai đoạn lãi suất thấp sau khủng hoảng tài chính toàn cầu ở các nước phát triển đã góp phần vào việc tăng nợ của các nước nghèo, cả khu vực công lẫn tư.
Rồi Covid-19 xảy ra, các chính phủ đều phải tăng nợ để xử lý khủng hoảng, chuẩn bị cho hồi phục nền kinh tế, các nước nghèo cũng không ngoại lệ.
Trong một báo cáo của tổ chức độc lập ủng hộ cho phong trào xóa nợ cho các nước nghèo là Jubilee Debt Campaign (JDC), các khoản nợ phải trả của các nước đang phát triển trong năm 2021 đã tăng 120% so với năm 2020, ở mức cao nhất tính từ năm 2001. Hiện có 54 quốc gia đang phải đối mặt với khủng hoảng nợ và 14 quốc gia có nguy cơ cao rơi vào khủng hoảng.
Vấn đề là ở chỗ các nước nghèo nợ phần lớn với bên ngoài, tức là các khoản nợ quốc tế gắn với đồng USD. Và khi Fed tăng lãi suất, có 2 hệ lụy quan trọng đến nợ của các nước nghèo.
Thứ nhất khi lãi suất ở Mỹ tăng, dòng vốn quốc tế sẽ có xu hướng dịch chuyển về Mỹ, khiến cho nhu cầu đồng USD tăng và từ đó đồng USD sẽ tăng giá so với các đồng tiền khác. Các nước khi trả nợ bằng đồng USD lúc này sẽ phải trả nhiều hơn khi quy đổi sang đồng tiền của mình.
Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi bị chậm lại, áp lực trả nợ quốc tế sẽ khiến các nước nghèo càng khó khăn hơn trong việc tìm kiếm nguồn lực mới. Tăng trưởng chậm lại trong khi lãi suất vay tăng, cả quốc tế lẫn trong nước, mà nhu cầu chi tiêu và đầu tư vẫn lớn thì áp lực với các khoản vay mới là rất đáng ngại.
Khi dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ không còn nhiều, áp lực lạm phát tăng do lan truyền thì các nước nghèo phải đối mặt với các lựa chọn đánh đổi thường xuyên hơn. Chẳng hạn vừa phải ổn định giá cả, vừa phải thúc đẩy nền kinh tế phát triển; hay hỗ trợ doanh nghiệp thì nguy cơ rủi ro tín dụng tăng, mà làm ngược lại thì kinh tế có thể không gượng dậy được.
Giải pháp nào khả dĩ?
Việc tăng lãi suất của Fed sẽ khiến cho nhiều nước nghèo khó khăn chồng chất khó khăn với các khoản nợ của mình. Bởi lẽ các nước nghèo nợ phần lớn với bên ngoài, tức là các khoản nợ quốc tế gắn với đồng USD.
Đứng trước những sự lựa chọn bất lợi thì sự lựa chọn nào ít phí tổn hơn được ưu tiên hơn. Việc ổn định giá cả và lạm phát nên là ưu tiên của ngân hàng trung ương, mà muốn vậy cần có các thông điệp rõ ràng, nhất quán về các chính sách để người dân và doanh nghiệp hiểu đúng, tránh hoang mang và hoảng loạn.
Các nước có nợ quốc tế nhiều neo với đồng USD cần thực hiện những công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá ngay khi có thể. Ngoài ra, để giảm rủi ro đảo nợ thì tìm cách thương lượng gia hạn thời gian đáo hạn, kể cả trong trường hợp chi phí có tăng. Và cuối cùng, cũng phải kiểm soát chặt chi tiêu ngân sách trong trường hợp nợ đã ở mức báo động.
Về phía bên cho vay, đặc biệt là các nước phát triển, cần có chương trình giúp đỡ các nước nghèo tái cấu trúc nợ, xóa nợ một phần hoặc một số khoản nợ. Bởi vì nếu xảy ra tình trạng vỡ nợ và lây lan thì hậu quả của khủng hoảng kinh tế xã hội ở các nước này rất lớn, có khi còn dẫn đến các khủng hoảng nhân đạo.
Theo lịch sử, năm 2022 này là tròn 40 năm vỡ nợ của Mexico. Với mức nợ trung bình ở mức 60-70% GDP nhưng kỳ hạn nợ dài hơn, và một phần lớn là vay trong nước thì khả năng vỡ nợ của các nước đang phát triển là rất thấp, nếu không nói là zero.
Tuy vậy, nợ nhiều và thâm hụt ngân sách cao sẽ khiến cho nhiều chính phủ bị bó buộc như một người đang bị thương, không thể vận động thoải mái. Có những trường hợp phải miễn cưỡng tăng lãi suất trong khi nền kinh tế còn chưa được khỏe lại.
Việc tăng lãi suất trong thời gian tới của Fed có thể bất định ở con số điểm phần trăm trong mỗi lần tăng, nhưng lộ trình và điểm đến thì dường như đã rõ. Người ta hay nói khi Fed hắt hơi thì nhiều nền kinh tế bị cảm lạnh. Các nước nghèo và đang phát triển nếu không có sự chuẩn bị trước thì có khi còn bị đổ bệnh nặng và cần cấp cứu.