Festival Huế 2024: Không ngừng ghi dấu ấn cùng 'sức mạnh mềm' dân tộc

Hành trình 24 năm của Festival Huế cùng các di sản, giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được tôn vinh đã góp phần quảng bá hình ảnh, sức mạnh mềm của Việt Nam trên trường quốc tế.

Với hành trình gần 1/4 thế kỷ, Festival Huế đã khẳng định được một thương hiệu văn hóa nghệ thuật mang tính bền vững, trở thành điểm hẹn của du khách trong nước và quốc tế. Đây là nơi những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam được bảo tồn, phát huy và thăng hoa cũng như cơ hội giao lưu với các đoàn nghệ thuật quốc tế.

Thành tựu này là nỗ lực lớn của chính quyền địa phương, của những cá nhân và tổ chức nhằm tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm và điểm đến mang tính riêng có của cố đô Huế.

Hành trình xây dựng thương hiệu Festival Huế

Khởi đầu từ hoạt động giao lưu Việt-Pháp vào năm 1999 có tên gọi Festival Việt-Pháp, tới năm 2000, sự kiện mới chính thức đổi tên thành Festival Huế. Với lịch sử 24 năm, Festival Huế đã trở thành niềm tự hào của người dân Thừa Thiên Huế.

“Chúng tôi tự hào vì đã mang đến và ghi dấu ấn với công chúng trong nước, quốc tế một lễ hội truyền thống có giá trị hoàn toàn khác biệt so với những lễ hội khác trên toàn quốc”, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Huế, ông Nguyễn Thanh Bình bày tỏ.

Vậy điều gì đã làm nên sự khác biệt của Festival Huế để hoạt động này có thể duy trì đều đặn và kéo dài tới gần 1/4 thế kỷ? Theo ông Nguyễn Thanh Bình, là bởi Festival Huế đã xây dựng được thương hiệu mang quy mô quốc gia và tầm cỡ quốc tế. Trong quá trình tổ chức, những truyền thống văn hóa của Huế nói riêng và văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung luôn được phát huy và thể hiện đậm nét.

 Mỗi kỳ Festival Huế đều thu hút rất đông người dân và du khách tham gia. (Ảnh: BTC)

Mỗi kỳ Festival Huế đều thu hút rất đông người dân và du khách tham gia. (Ảnh: BTC)

Trưởng Ban tổ chức khẳng định việc tổ chức một festival văn hóa nghệ thuật là rất khó. Trong các kỳ tổ chức Festival Huế đều có sự tham gia tích cực của các đoàn nghệ thuật trong nước, các vùng miền có di tích, di sản. Đặc biệt, “sân chơi” này còn là nơi phát huy các giá trị ngoại giao văn hóa.

“Ngay từ năm 1999, chúng tôi đã hợp tác với Pháp, là đối tác truyền thống và hết sức hiệu quả trong công tác phối hợp tổ chức, phát huy các giá trị ngoại giao văn hóa. Đáng nói, yếu tố giao lưu quốc tế luôn là điểm nhấn đã tạo thành thương hiệu mà chúng tôi dày công duy trì và tổ chức trong tất cả các kỳ Festival”, ông Bình cho hay.

Ban tổ chức Festival Huế cũng thường xuyên phải điều chỉnh nội dung, cách thức tổ chức nhằm tạo ra sản phẩm có sức hút để góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Từ chỗ chỉ tổ chức 2 năm một lần tới tổ chức thường niên, giờ đây ban tổ chức đã đổi mới toàn diện Festival Huế.

Theo đó, từ năm 2022, lễ hội diễn ra trong cả 4 bốn mùa, mỗi mùa có một chủ đề khác nhau, đa dạng các hoạt động hợp tác quốc tế, trao đổi các đoàn nghệ thuật trải dài suốt năm cũng như chuyển biến đối tượng thụ hưởng tham gia là cộng đồng, người dân và du khách. Nhờ vậy, Festival Huế đã tạo ra những sản phẩm du lịch thu hút khách du lịch, đóng góp thiết thực vào bức tranh phát triển kinh tế, xã hội địa phương, tạo thương hiệu cho điểm đến.

 Đoàn nghệ thuật đến từ Trung Quốc sẽ tham gia Festival Huế 2024. (Ảnh: BTC)

Đoàn nghệ thuật đến từ Trung Quốc sẽ tham gia Festival Huế 2024. (Ảnh: BTC)

Có thể nói, Festival Huế đã trải qua hành trình khá dài và trở thành một thương hiệu nổi bật, khẳng định được giá trị riêng có. Song, cũng vì thế, để duy trì và luôn tạo được nét mới mẻ, sức hấp dẫn cho mỗi kỳ lễ hội, ban tổ chức đã phải rất nỗ lực.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng để mỗi kỳ lễ hội đều có những sản phẩm mới phù hợp với xu thế hiện nay. Truyền thống văn hóa Huế với hạt nhân là những nét văn hóa truyền thống, giá trị di tích lịch sử, vậy phải làm sao để truyền tải những tinh thần đó phù hợp trong xã hội hiện đại? Chúng tôi cần tìm ra những góc cạnh mới. Mới không có nghĩa là bỏ đi những giá trị truyền thống nên khó khăn đầu tiên là chúng tôi phải tìm được nội dung phù hợp, vừa mang tính bảo tồn giá trị cốt lõi của truyền thống văn hóa Huế cũng như văn hóa Việt Nam vừa mang đến góc nhìn tươi mới cho cộng đồng, du khách”.

Quảng bá sức mạnh mềm của Việt Nam

Ngay trước thềm lễ hội chính của Festival Huế 2024, bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UNESCO. Đây thực sự là một tin vui.

Trước thông tin này, Thứ Trưởng Bộ Ngoại giao, bà Nguyễn Minh Hằng khẳng định: “Đây là niềm tự hào và điểm nhấn lớn đối với Festival Huế 2024. Việc UNESCO vinh danh bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương là bước rất quan trọng trong việc bảo tồn và gìn giữ văn hóa của Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Điều này giúp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của văn hóa dân tộc với quốc tế nhờ 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, giúp tăng tổng số di sản được UNESCO vinh danh lên 68”.

 Nơi những di sản dân tộc được bảo tồn và tôn vinh. (Ảnh: BTC)

Nơi những di sản dân tộc được bảo tồn và tôn vinh. (Ảnh: BTC)

Theo Thứ Trưởng Nguyễn Minh Hằng, việc ghi danh này không chỉ là sự tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc mà quan trọng hơn đã góp phần quảng bá hình ảnh, sức mạnh mềm của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế đã giúp địa phương nâng tổng số di sản được vinh danh lên 8 di sản. Sự ghi nhận đó cũng là minh chứng rõ ràng cho thấy Thừa Thiên Huế thực sự xứng đáng với danh hiệu đô thị di sản và hoàn toàn phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển mà Chính phủ đã thông qua.

“Chúng tôi tin tưởng rằng việc vinh danh này sẽ tạo ra nguồn lực mới, động lực mới góp phần thúc đẩy quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế và đóng góp cho sự phát triển bền vững của Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, với cộng đồng quốc tế cũng như khu vực, tôi cho rằng đây không chỉ là tôn vinh một di sản văn hóa độc đáo của Việt Nam mà còn là đóng góp rất quý báu vào kho tàng văn hóa di sản của nhân loại. Điều này cũng làm nổi bật vai trò của di sản văn hóa trong việc thúc đẩy phát triển sự hiểu biết giữa các quốc gia trên thế giới,” Thứ Trưởng Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh.

Những trải nghiệm mới lạ, độc đáo

Để khẳng định và tôn vinh "sức mạnh mềm" của Việt Nam như chia sẻ của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lễ hội Mùa Hạ - “Kinh thành tỏa sáng” (diễn ra từ tháng 4-6) với điểm nhấn Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 có chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” sẽ diễn ra từ 7-12/6 tới.

Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 sẽ mang đến những trải nghiệm mới lạ, độc đáo về văn hóa, lịch sử và nghệ thuật. Chuỗi chương trình biểu diễn của các nghệ sỹ tiêu biểu trong nước và quốc tế sẽ giới thiệu tới công chúng nghệ thuật ca múa nhạc cung đình và các làn điệu dân ca độc đáo; các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao của 8 quốc gia đến từ các châu lục diễn ra hàng đêm tại các sân khấu ở Điện Kiến Trung, Thái Bình Lâu, vườn Thiệu Phương (Đại Nội Huế); các sân khấu cộng đồng bia Quốc Học, công viên 3/2 và khắp tỉnh Thừa Thiên Huế.

 Lễ hội ánh sáng sẽ mang đến cho khách tham quan một hành trình khám phá ảo diệu và đầy chất thơ trong lòng Đại Nội Huế. (Ảnh: BTC)

Lễ hội ánh sáng sẽ mang đến cho khách tham quan một hành trình khám phá ảo diệu và đầy chất thơ trong lòng Đại Nội Huế. (Ảnh: BTC)

Đặc biệt, vấn đề bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc tại cố đô Huế luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc. Cũng vì thế, một trong những ưu tiên của chính quyền địa phương là thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch thông qua quảng bá di sản kiến trúc.

Trên tinh thần đó, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet cho biết phía Pháp sẽ thực hiện một dự án nghệ thuật độc đáo mang tên Lễ hội ánh sáng, tiếp nối thành công của dự án Huế by light - The live show đã mang đến kỳ Festival Huế trước đó.

Dự án được triển khai hướng đến việc tôn vinh di sản kiến trúc Đại Nội Huế, đặc biệt là Thái Bình Lâu và khu vực xung quanh, với 12 tác phẩm sắp đặt âm thanh và ánh sáng đặc sắc.

Lễ hội ánh sáng sẽ mang đến cho khách tham quan một hành trình khám phá ảo diệu và đầy chất thơ trong lòng Đại Nội Huế thông qua việc kết hợp các công nghệ và kỹ thuật sáng tạo khác nhau. Một hành trình vừa mang tính học thuật vừa mang tính tương tác nhưng luôn chú trọng đến yếu tố thẩm mỹ.

Tất cả các tác phẩm sắp đặt đều được sáng tạo nhằm mang đến cho người xem trải nghiệm đắm chìm trong một vũ trụ kỳ ảo trên suốt chặng đường khám phá âm thanh và ánh sáng này...

Có thể nói những trải nghiệm độc đáo, mới mẻ này sẽ góp phần quảng bá mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh, giá trị các di sản của vùng đất cố đô Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, đặc biệt khẳng định "sức mạnh mềm" của dân tộc trong mối bang giao trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật với các quốc gia./.

 Lễ hội đường phố là sắc màu không thể thiếu mỗi kỳ Festival Huế. (Ảnh: BTC)

Lễ hội đường phố là sắc màu không thể thiếu mỗi kỳ Festival Huế. (Ảnh: BTC)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/festival-hue-2024-khong-ngung-ghi-dau-an-cung-suc-manh-mem-dan-toc-post945680.vnp