Forbes Việt Nam: PLX là quán quân doanh thu, VCB là quán quân lợi nhuận

Petrolimex (mã chứng khoán PLX) là quán quân doanh thu và Vietcombank (mã chứng khoán VCB) là quán quân lợi nhuận trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam do Forbes Việt Nam công bố.

Nhân viên bán xăng cho khách tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex. Ảnh: Minh Quyết-TTXVN

Nhân viên bán xăng cho khách tại cửa hàng xăng dầu Petrolimex. Ảnh: Minh Quyết-TTXVN

Tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam với danh sách xuất hiện những doanh nghiệp hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, đại diện tiêu biểu cho các ngành nghề kinh doanh và cũng là những tên tuổi đã niêm yết nhiều năm trên sàn chứng khoán.

Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán PLX) vẫn là quán quân doanh thu với doanh thu thuần đạt kỷ lục với 304.188 tỉ đồng, tăng đến 80% so với năm trước và đạt 127% kế hoạch năm. Tuy nhiên lợi ròng giảm 39% so với năm trước.

Petrolimex hiện đang dẫn đầu về thị phần bán lẻ xăng dầu với mạng lưới khoảng 5.500 cửa hàng, trong đó hơn 2.700 cửa hàng do Petrolimex sở hữu và 2.800 cửa hàng là đại lý, tổng đại lý, nhượng quyền trên cả nước.

Điểm nhấn của Petrolimex là đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ và chuyển đổi một số cây xăng truyền thống thành điểm phục vụ đa dạng, trong đó có việc kết hợp với Vinfast khai trương trạm sạc xe điện tại 10 cửa hàng đầu tiên trong kế hoạch mở hơn 500 trạm sạc xe điện Vinfast trên cả nước.

Năm 2023 cũng ghi nhận chi phí tài chính của PLX tăng mạnh 102% so với cùng kỳ chủ yếu từ khoản lỗ chênh lệch tỉ giá. Tổng tài sản Petrolimex cuối năm 2022 ở mức 73.811 tỉ đồng, tăng 14% so với đầu năm, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm trên 67%. Tiền và tương đương tiền, đầu tư tài chính chiếm 25,3% tổng tài sản, ở mức 18.704 tỉ đồng.

Khách hàng giao dịch nhận vàng sau khi đăng ký online tại Vietcombank 72 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Khách hàng giao dịch nhận vàng sau khi đăng ký online tại Vietcombank 72 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB) là ngân hàng duy nhất 11 lần có mặt liên tục trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam. Với 29.899 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, năm qua nhà băng này tiếp tục dẫn đầu hệ thống và cũng dẫn đầu danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất về con số lợi nhuận tuyệt đối.

Những năm qua Vietcombank là định chế tài chính nổi tiếng, hoạt động hiệu quả, ổn định, chất lượng tài sản vượt trội và có thu nhập từ dịch vụ đa dạng bậc nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tỉ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Vietcombank luôn thuộc nhóm cao nhất thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh về chi phí vốn.

Trong giai đoạn 2022-2028, Vietcombank định hướng tăng trưởng tổng tài sản 9-10%/năm, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế 12-14%/năm, huy động vốn tăng 10-11%/năm. Về tỉ lệ nợ xấu, ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát dưới 1,5%, tỉ lệ ạn toàn vốn ở mức 10-11%. Theo kế hoạch, ngân hàng sẽ nhận chuyển giao tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém.

Theo Forbes Việt Nam, Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất lần thứ 11 của Forbes Việt Nam không có nhiều tên tuổi mới so với danh sách những năm gần đây. Đà suy giảm của thị trường chứng khoán và việc gọi vốn quốc tế khó khăn là lý do thiếu vắng những thương vụ IPO, niêm yết tầm cỡ.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, tiêu dùng nội địa suy yếu, nhóm ngành phòng thủ, hàng tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm, logistics, công nghệ lên ngôi. Ngân hàng là lĩnh vực có nhiều đại diện nhất với 6 tên tuổi gồm: Ngân hàng TMCP Á Châu (mã chứng khoán ACB); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB); Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã chứng khoán CTG); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển V iệt Nam (BIDV, mã chứng khoán BID); Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã chứng khoán VIB); Ngân hàng TMCP Quân đội (mã chứng khoán MBB).

Trong khi đó bất động sản và nguyên vật liệu giảm một nửa số đại diện. Ngành dầu khí cũng góp mặt nhiều tên tuổi như: Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã chứng khoán DPM); CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán DCM); Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí – PV Trans (mã chứng khoán PVT); Công ty cổ phần PVI (mã chứng khoán PVI); Tổng công ty Khí Việt Nam – PV Gas (mã chứng khoán GAS).

Theo Forbes Việt Nam, tổng lợi nhuận sau thuế của 50 công ty trong danh sách đạt 228.096 tỉ đồng, tăng 18% so với danh sách năm 2022. Tổng doanh thu đạt 1.490.453 tỉ đồng, tăng 24,9%.

A.N/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/forbes-viet-nam-plx-la-quan-quan-doanh-thu-vcb-la-quan-quan-loi-nhuan/338683.html