Ford hợp tác với hãng pin Trung Quốc để hạ giá bán

SUV và bán tải chạy điện của Ford tại thị trường Bắc Mỹ sẽ được trang bị bộ pin mới nhằm tăng tính cạnh tranh về giá bán.

Pin lithium-sắt (LFP) là loại pin có chi phí thấp hơn được sản xuất bởi công ty pin Trung Quốc CATL.

Theo Lisa Drake – phó chủ tịch Ford – hãng ôtô của Mỹ sẽ bắt đầu sử dụng pin LFP sản xuất tại một nhà máy công suất 40 GWh ở Bắc Mỹ từ 2026.

Vị này không tiết lộ liệu CATL có đích thân xây dựng nhà máy này hay không. Tuy nhiên, Reuters hồi tháng 5 đã đưa tin hãng pin Trung Quốc đang nghiêm túc xem xét một vài địa điểm tại Mỹ để lập nhà máy chế tạo pin xe điện cho Ford và BMW.

 Ford bắt tay cùng CATL để giảm giá xe điện, cạnh tranh cùng Tesla. Ảnh: China Daily.

Ford bắt tay cùng CATL để giảm giá xe điện, cạnh tranh cùng Tesla. Ảnh: China Daily.

Động thái mới nhất của Ford cho thấy hãng ôtô Mỹ đã công nhận hiệu quả của lithium và sắt, những nguyên liệu có thể cắt giảm 10-15% chi phí bộ pin.

Tuy vậy, pin lithium-sắt thường sở hữu phạm vi hoạt động hẹp hơn so với những mẫu pin dùng niken và coban.

Trong khi đó, tại thị trường Mỹ, các nhà sản xuất ôtô điện xem phạm vi hoạt động của xe là chìa khóa làm nên chiến thắng. Vì thế, họ tự giam mình trong vòng luẩn quẩn khi chi phí sản xuất tăng cao theo mỗi km vận hành được thêm vào giữa các lần sạc pin.

Thông qua thỏa thuận cùng CATL, Ford tin tưởng khoảng thiếu hụt trong phạm vi hoạt động có thể được bù đắp một phần khi giá xe trở nên cạnh tranh hơn nhờ giảm chi phí pin.

Tại Mỹ, Tesla đang sử dụng pin LFP trên các mẫu Model 3 bình dân của hãng, trong khi Rivian cũng đang cân nhắc sử dụng loại pin này cho các mẫu xe tương lai.

Một thỏa thuận chung giữa Ford và CATL cũng được xác nhận. Trong đó, cả hai xem xét khả năng trang bị pin LFP trên tất cả ôtô điện của Ford tại thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

“Hai công ty có thể tận dụng thế mạnh tương ứng để mở ra nhiều cơ hội kinh doanh trên phạm vi toàn cầu”, đại diện CATL cho hay trong một tuyên bố.

Thỏa thuận cùng CATL là một phần trong các nỗ lực của Ford nhằm đảm bảo nguồn cung pin cũng như nguyên liệu thô.

Trước đó, gã khổng lồ ngành công nghiệp ôtô Mỹ đã thỏa thuận mua lithium từ công ty khai khoáng Rio Tinto của Australia, mua niken từ các chi nhánh của Vale SA ở Canada và Indonesia.

 Pin đang là yếu tố then chốt trong cuộc chiến xe điện. Ảnh: Ford.

Pin đang là yếu tố then chốt trong cuộc chiến xe điện. Ảnh: Ford.

Ford đồng thời ký kết các thỏa thuận hợp tác cùng Huayou Cobalt và BHP đến từ Trung Quốc, cũng như làm việc cùng LG Energy Solution và đối tác pin lâu năm SK Innovation.

Tuy vậy, một vài thỏa thuận trong số đó dường như sẽ không khả thi, ít nhất cho đến cuối thập kỷ này. Những thương vụ với Rio and Compass Minerals liên quan đến công nghệ khai thác lithium trực tiếp là ví dụ, bởi mảng hoạt động này vốn dĩ chưa được thương mại hóa.

Các nhà đầu tư bày tỏ lo ngại nguồn cung nguyên liệu cũng như công suất dây chuyền sản xuất pin sẽ không đáp ứng kịp nhu cầu ôtô điện đang tăng cao. Điều này dẫn đến khả năng thiếu hụt sản lượng trong những năm cuối của thập kỷ.

Mặc dù vậy, Ford trấn an rằng họ đã sở hữu 70% nguồn pin cần thiết, đủ để đáp ứng mục tiêu sản xuất hơn 2 triệu xe điện trên toàn thế giới vào cuối năm 2026.

Trung Quốc hiện chiếm ưu thế về nguyên liệu cũng như nguồn cung pin ôtô. Điều này khiến giới chức Mỹ bày tỏ quan ngại về sự phụ thuộc của ngành công nghiệp ôtô nước này vào đối thủ bên kia Thái Bình Dương.

Do đó, Lisa Drake cho biết Ford muốn tạo ra nguồn cung pin ổn định từ chính thị trường Bắc Mỹ. “Tuy vậy, đó là một điều rất khó khăn”, bà thừa nhận.

“Chi phí cho pin sẽ là yếu tố quyết định thành bại trong cuộc đua EV. Trong đó, pin LFP sẽ là bước tiến quan trọng đầu tiên”, phó chủ tịch của Ford nêu quan điểm.

Bằng quyết định sử dụng pin lithium sắt phosphate trên Mustang Mach-E và F-150 Lightning trong tương lai, Ford có thể giảm giá bán cho hai mẫu ôtô điện này, hoặc thông qua đó nâng cao tỷ suất lợi nhuận tổng thể.

 Mustang Mach-E sẽ được trang bị pin LFP trong tương lai. Ảnh: Ford.

Mustang Mach-E sẽ được trang bị pin LFP trong tương lai. Ảnh: Ford.

Hiện tại mảng xe điện của tập đoàn ôtô Mỹ đang không có lãi. Tuy nhiên, Ford vẫn đặt mục tiêu đạt tỷ suất lợi nhuận trước thuế cho riêng mảng xe điện ở mức 8% vào năm 2026.

Mức lợi nhuận 8% thậm chí vẫn thấp hơn con số 14,6% vừa được Tesla công bố trong quý II vừa rồi.

Ford kỳ vọng mở rộng tốc độ sản xuất ôtô điện lên con số 600.000 xe mỗi năm trên phạm vi toàn cầu vào cuối năm 2023. Tập đoàn này thậm chí tham vọng tiến đến con số 2 triệu xe xuất xưởng vào cuối năm 2026.

Hãng dự kiến tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm với xe điện sẽ đạt đỉnh 90% vào năm 2026, nghĩa là tăng hơn gấp đôi so với dự báo tốc độ phát triển chung của ngành.

Trước đó vào tháng 3, Ford đã tăng mức chi tiêu cho xe điện từ 30 tỷ USD vào năm 2026 lên mức 50 tỷ USD.

Tập đoàn cũng cơ cấu lại hoạt động thành những đơn vị chuyên biệt, với Ford Model e cho xe điện và Ford Blue tập trung vào ôtô sử dụng động cơ đốt trong.

Phúc Hậu

Theo Reuters

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ford-hop-tac-voi-hang-pin-trung-quoc-de-ha-gia-ban-post1338360.html