Freelancer thời 5.0 - Hấp dẫn nhưng cũng nhiều 'rủi ro'

Trong những năm gần đây, xu hướng làm freelancer (người làm việc độc lập và tự do về thời gian) đã trở thành một lựa chọn phổ biến đối với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Sự tự do về thời gian, không gian làm việc và khả năng tự quản lý công việc là những điểm hấp dẫn chính của công việc này.

Cùng với sự phát triển không ngừng của kinh tế - xã hội và sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, freelancer dần trở thành một hình thức nghề nghiệp mới và ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành lựa chọn hấp dẫn cho nhiều người lao động trên toàn thế giới, bao gồm cả Việt Nam.

Khảo sát nguồn nhân lực tri thức Việt Nam của Anphabe vào năm 2021 cho thấy số lượng lao động tự do toàn thời gian rơi vào khoảng 14%, lao động tự do bán thời gian chiếm tỷ lệ cao hơn, trong đó 26% người làm công việc cố định toàn thời gian vẫn nhận thêm việc tự do bên ngoài khi phù hợp và 13% làm song song công việc cố định và bán thời gian bên ngoài.

Như vậy, Anphabe nhận định, vào năm 2021 ở Việt Nam, có đến 53% người tham gia vào nền kinh tế chia sẻ (Gig Economy), nơi mà mọi người làm việc tự do bán thời gian hoặc tạm thời, được chi trả bởi nhiều khách hàng khác nhau.

Sở dĩ, nhiều người lựa chọn làm freelancer là bởi công việc này không chỉ mang lại sự linh hoạt về thời gian và địa điểm làm việc mà còn mở ra nhiều cơ hội cho mọi người phát triển nghề nghiệp và tài chính.

Cụ thể, freelancer có thể tự sắp xếp thời gian và địa điểm làm việc phù hợp với bản thân mình, họ không bị ràng buộc bởi giờ làm việc cố định hay phải di chuyển đến văn phòng hàng ngày. Thậm chí, freelancer có thể làm việc tại nhà, giảm thời gian và chi phí đi lại cũng như nâng cao hiệu quả công việc.

Ngoài ra, làm việc tự do cho phép freelancer tham gia vào nhiều dự án khác nhau và làm việc với nhiều khách hàng đa dạng. Điều này không chỉ giúp họ tích lũy kinh nghiệm mà còn mở rộng mạng lưới quan hệ và nâng cao kỹ năng chuyên môn.

Bên cạnh đó, freelancer có toàn quyền quyết định về hướng phát triển nghề nghiệp của mình. Họ có thể chọn những dự án phù hợp với sở thích và kỹ năng của mình, từ đó định hình sự nghiệp theo cách riêng. Điều này tạo ra sự hài lòng và động lực cao hơn trong công việc.

Khác với công việc cố định với mức lương cố định, thu nhập của freelancer phụ thuộc vào số lượng và giá trị của các dự án họ nhận. Điều này có nghĩa là họ có thể tăng thu nhập bằng cách làm việc nhiều hơn hoặc chọn những dự án có giá trị cao hơn.

Tuy nhiên, để có được “sự tự do” ấy, nhiều người đã phải đối mặt với nhiều “sự đánh đổi”.

Tự do nhưng không tự tại

Anh Lê Ngọc Việt (26 tuổi, ở huyện Hoằng Hóa) - một content creator (người sáng tạo nội dung) cho một số fanpage trên facebook chia sẻ: “Một trong những lợi ích lớn nhất của việc làm freelancer là sự tự do. Mình có thể chọn nơi làm việc, thời gian làm việc và thậm chí là dự án mà mình muốn tham gia. Tuy nhiên, sự tự do này đi kèm với áp lực tự quản lý. Bởi, Freelancer không có sếp trực tiếp quản lý, không có đồng nghiệp để chia sẻ công việc, phải tự mình đề ra kế hoạch làm việc, tự đặt mục tiêu và tự đánh giá kết quả mà không có ai để giám sát và hướng dẫn. Vì vậy, mình phải có tính kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm cao và biết tự giác trong công việc.

Freelancer không có sếp trực tiếp quản lý, không có đồng nghiệp để chia sẻ công việc.

Freelancer không có sếp trực tiếp quản lý, không có đồng nghiệp để chia sẻ công việc.

Anh Trịnh Ngọc Anh (27 tuổi, ở huyện Hoằng Hóa) - một freelancer mảng sáng tạo nội dung, dựng phim hoạt hình 2D cho một công ty nước ngoài, cho biết: Anh luôn phải tự mình đảm nhiệm hết các công việc từ tìm kiếm khách hàng mới đến duy trì mối quan hệ với khách hàng hiện tại. Điều này tạo ra áp lực lớn về mặt kinh doanh và marketing, đòi hỏi những người làm freelancer như anh phải có kỹ năng giao tiếp và quản lý khách hàng tốt.

Bên cạnh đó, anh còn không tự quản lý được thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi của bản thân. Bởi, làm việc tự do không yêu cầu người làm phải hoàn thành công việc trong giờ hành chính, người làm công việc này có thể tự đặt ra deadline (hạn chót) cho mình.

“Mình thường để đến sát deadline mới bắt đầu làm việc, dẫn đến tình trạng khi thì thoải mái chơi, khi lại phải “cày” cả ngày lẫn đêm để kịp thời hạn nộp sản phẩm. Do đó, sau khi làm xong công việc, tinh thần của mình trở nên uể oải, hai mắt thâm quầng” - anh Ngọc Anh chia sẻ.

Thu nhập không ổn định

Không giống như công việc cố định với mức lương hàng tháng, thu nhập của freelancer thường không ổn định.

Trịnh Thảo Trang ( 23 tuổi, ở TP Thanh Hóa) là một dịch giả tiếng Nga và tiếng Hàn tự do hiện đang cộng tác với một số trang thông tin và nhận dịch tài liệu online cho hay: “Để dịch hay và hoàn thiện một tài liệu mất rất nhiều thời gian. Người khác thường nghĩ chỉ sử dụng các công cụ dịch tự động như Google, Papago, Yandex... là đủ, nhưng thực tế không đơn giản như vậy.

Công việc chính của biên dịch là hiệu đính bản dịch thô từ các công cụ trên. Việc này tốn hàng tiếng đồng hồ cho mỗi trang văn bản, đòi hỏi dịch giả nắm chắc kiến thức ngôn ngữ để lựa chọn sử dụng từ chính xác (trong tiếng Nga và tiếng Hàn có nhiều từ, cụm từ tương đương về nghĩa nhưng sử dụng trong các trường hợp khác nhau).

Tùy vào độ dài và tính chất văn bản như văn bản chuyên ngành, văn bản tin tức - báo chí, văn bản văn học - nghệ thuật... và quan trọng nhất là thời hạn hoàn thành mà thời gian biên dịch và tiền công cũng khác nhau. Thông thường, mức thù lao sẽ giao động từ 80-100 nghìn đồng/trang đối với tiếng Nga, còn với tiếng Hàn sẽ cao hơn một chút từ 100-120 nghìn đồng/trang.”

"Nếu nhìn vào giá tiền dịch cho 1 trang mọi người dễ cho rằng công việc này thu nhập cao, nhưng nếu biết thời gian mỗi dịch giả bỏ ra cho công việc này sẽ biết mức thù lao này khá thấp, chỉ tương đương công việc phục vụ bàn. Tuy nhiên, mình và nhiều bạn sinh viên vẫn chấp nhận làm việc tại nhà vì không mất công đi lại, làm việc trong thời gian tùy thích và có thể làm nhiều công việc cùng lúc không theo quy định của bất kỳ tổ chức nào, miễn là hoàn thành xong công việc" - bạn Trang bộc bạch.

Thiếu các phúc lợi xã hội

Không giống như nhân viên chính thức, freelancer không được hưởng các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hay nghỉ phép có lương. Điều này có nghĩa là khi ốm đau hoặc gặp sự cố, họ phải tự chi trả mọi chi phí y tế và không có thu nhập trong thời gian nghỉ ngơi.

Thêm vào đó, việc không có bảo hiểm thất nghiệp cũng đặt họ vào tình thế bấp bênh khi không có dự án hoặc khách hàng. Thiếu các phúc lợi xã hội còn khiến freelancer gặp khó khăn trong việc lập kế hoạch tài chính dài hạn và đảm bảo an ninh tài chính cho tương lai.

Làm freelancer phải chấp nhận đồng lương bấp bênh và nguồn công việc thụ động. Ảnh: Pinterest.

Làm freelancer phải chấp nhận đồng lương bấp bênh và nguồn công việc thụ động. Ảnh: Pinterest.

Đối mặt với vấn đề không có phúc lợi xã hội, anh Lê Ngọc Việt cho biết: “Việc không có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, hay nghỉ phép có lương khiến mình phải tự lo liệu mọi chi phí y tế khi ốm đau và không có thu nhập nếu không thể làm việc. Mình đã phải tự tìm hiểu và mua bảo hiểm y tế tư nhân để bảo vệ bản thân trước những rủi ro sức khỏe. Ngoài ra, mình cũng phải cố gắng tiết kiệm một phần thu nhập hàng tháng để có quỹ dự phòng trong trường hợp không có dự án hoặc gặp sự cố bất ngờ.”

“Mình nghĩ rằng trước khi quyết định làm freelancer, mọi người nên chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tài chính và tìm hiểu sâu về các giải pháp bảo hiểm tư nhân. Mỗi người cũng nên có một quỹ dự phòng và có kế hoạch tiết kiệm dài hạn để đối phó với những rủi ro mà chúng ta không thể lường trước. Hơn nữa, việc duy trì một mạng lưới khách hàng ổn định cũng rất quan trọng để đảm bảo cho chúng ta thu nhập đều đặn” - anh Việt chia sẻ thêm.

Cạnh tranh khốc liệt

Sự bùng nổ của công nghệ và internet đã làm cho việc trở thành freelancer trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Điều này dẫn đến tình trạng bão hòa trong một số lĩnh vực, khiến việc tìm kiếm dự án và khách hàng trở nên khó khăn hơn.

Freelancer không chỉ cạnh tranh với những người trong nước mà còn phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các freelancer quốc tế. Điều này đặc biệt rõ ràng trong các lĩnh vực như lập trình, thiết kế đồ họa và viết lách, nơi mà các freelancer từ các quốc gia khác có thể cung cấp dịch vụ với mức giá cạnh tranh hơn.

Bạn Trịnh Thảo Trang cho biết: “Ở thời điểm hiện tại, khách hàng thường tìm kiếm những freelancer có kỹ năng chuyên môn cao và kinh nghiệm phong phú. Ngoài ra, đi kèm với chuyên môn cao thì mức giá mà freelancer đưa ra cũng phải phù hợp với khả năng chi trả của khách hàng. Bởi vậy, mình phải không ngừng nâng cao kỹ năng của bản thân và tính toán đưa ra mức giá cạnh tranh nhất so với những người khác để đáp ứng được yêu cầu của thị trường và giữ chân khách hàng”.

“Xu hướng làm freelancer mang lại nhiều cơ hội và tự do, cũng đi kèm với không ít “sự đánh đổi”. Từ việc phải tự quản lý thời gian, đối mặt với thu nhập không ổn định, đến việc luôn phải duy trì động lực và cạnh tranh khốc liệt. Những thách thức này đòi hỏi người làm công việc “tự do" này phải có sự kiên trì, kỷ luật và không ngừng học hỏi.

Tuy nhiên, với những ai sẵn sàng chấp nhận và vượt qua những khó khăn này, làm freelancer có thể trở thành một con đường sự nghiệp đầy hứa hẹn và thỏa mãn. Bằng cách đầu tư vào bản thân, xây dựng một thương hiệu cá nhân mạnh mẽ và duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng, các freelancer có thể tạo dựng cho mình một sự nghiệp bền vững và thành công.

Cuối cùng, dù lựa chọn con đường nào, hãy nhớ rằng mỗi sự đánh đổi đều mang lại những bài học quý giá và cơ hội để trưởng thành. Chúc các bạn luôn tìm thấy niềm vui và động lực trong công việc, và luôn sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách để đạt được ước mơ của mình” - bạn Thảo Trang chia sẻ.

Lan Chinh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/freelancer-nbsp-thoi-5-0-hap-dan-nhung-cung-nhieu-rui-ro-31436.htm