FT: Những sự kiện chấn động, 'định hình' năm 2023
Từ khủng hoảng ngân hàng đến cuộc chiến tàn khốc ở Trung Đông, năm 2023 được định hình bởi những sự kiện nổi bật không thể bỏ qua.
Những sự kiện chấn động đã định hình nên năm 2023 (Ảnh: FT)
Cuộc tấn công kinh hoàng của Hamas và phản ứng đáp trả của Israel đã định hình năm 2023. Cuộc phản công của Ukraine thất bại. Nỗi lo lạm phát rình rập thị trường tài chính trước khi các ngân hàng trung ương lớn giành quyền kiểm soát.
Một cuộc khủng hoảng ngân hàng đã được ngăn chặn, nhưng Credit Suisse và Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã bị sụp đổ. Trí tuệ nhân tạo (AI) đã được ca tụng nhưng đồng thời cũng gây nên sự sợ hãi, trong khi công ty nổi bật nhất về công nghệ này, OpenAI, bị chấn động bởi một cuộc chiến tranh giành quyền lực. Tất cả đều tạo nên một năm 2023 đầy biến động.
Chấn động bầu cử ở Brazil
“Brazil đã trở lại”, nhà lãnh đạo cánh tả Luiz Inácio Lula da Silva đã tuyên bố như vậy sau khi đắc cử tổng thống nước này lần thứ ba.
Nhưng vài ngày sau lễ nhậm chức của ông vào tháng 1, những người ủng hộ người tiền nhiệm cực hữu Jair Bolsonaro cũng đã quay trở lại, xông vào Quốc hội của quốc gia Nam Mỹ, diễn biến cho thấy đất nước này đã trở nên 'phân cực' như thế nào.
Trong tuần đầu tiên nhậm chức, ông Lula, người mà ông Barack Obama từng gọi là “chính trị gia được yêu thích nhất trên Trái đất”, đã thúc đẩy việc ngăn chặn nạn phá rừng Amazon và biến Brazil thành một siêu cường “xanh”.
Động đất kinh hoàng khiến 60.000 người thiệt mạng
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã phải đối mặt với sự chỉ trích công khai hiếm thấy, do phản ứng chậm trễ trước một trong những trận động đất chết chóc nhất thế kỷ 21, tàn phá nhiều vùng phía Nam nước này vào ngày 6/2.
Trận động đất đã cướp đi sinh mạng của gần 51.000 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và khoảng 9.000 người ở miền Bắc Syria. Nó xảy ra chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử quan trọng.
Mặc dù các kỹ sư đổ lỗi cho hoạt động xây dựng kém chất lượng và việc thực thi luật xây dựng không hiệu quả là nguyên nhân gây ra sự tàn phá trên quy mô lớn, ông Erdogan vẫn giành được chiến thắng sau khi chính phủ của ông tung ra một loạt các gói kích thích kinh tế.
SVB và Credit Suisse sụp đổ trong khủng hoảng ngân hàng
Quân cờ domino đầu tiên bị đổ trong cuộc khủng hoảng ngân hàng tồi tệ nhất kể từ năm 2008 là công ty cho vay tiền mã hóa Silvergate, có trụ sở tại San Diego. Ngày 8/3, công ty này cho biết họ sẽ ngừng hoạt động trước tình trạng hỗn loạn trên thị trường tiền mã hóa.
Cùng ngày hôm đó, Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã bán một phần danh mục chứng khoán của mình với mức lỗ 1,8 tỉ USD, sau khi bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Người gửi tiền sau đó đã rút 42 tỉ USD khỏi SVB và đến ngày 10/3 ngân hàng này đã bị chính phủ Mỹ kiểm soát. Với niềm tin suy giảm trong toàn ngành, Ngân hàng Signature của New York cũng sụp đổ sau đó.
Trong khi đó, ở châu Âu, vốn chủ sở hữu và trái phiếu của Credit Suisse sụt giảm giá trị và chính phủ Thụy Sĩ đã đạt được một thỏa thuận vội vàng với ngân hàng lớn nhất nước, UBS. Thương vụ mua lại của UBS đã tạo ra một ngân hàng có tài sản vượt quá tổng tài sản của toàn bộ nền kinh tế đất nước.
Ông Donald Trump bị truy tố
Donald Trump đã trở thành cựu tổng thống đầu tiên bị truy tố trong lịch sử nước Mỹ. Ông xuất hiện tại tòa án Manhattan và tuyên bố không nhận tội trong đợt xét xử đầu tiên liên quan tới 91 cáo buộc hình sự.
Vụ án ở New York liên quan đến việc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh, ngoài ra ông Trump cũng phải đối mặt với một vụ án liên bang ở Florida liên quan đến việc xử lý sai tài liệu mật; một vụ khác ở Washington DC về vai trò của ông trong việc lật ngược kết quả bầu cử năm 2020; và một cáo buộc ông ta âm mưu làm điều tương tự ở Georgia.
Tuy nhiên, bất chấp viễn cảnh các phiên tòa ngăn chặn chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng của ông vào năm tới, ông Trump vẫn là ứng cử viên được yêu thích nhất để giành được đề cử tổng thống của đảng Cộng hòa. Ông cũng có lợi thế hơn ông Joe Biden trong các cuộc đối đầu trực tiếp trong cuộc tổng tuyển cử, cả trên toàn quốc và ở các bang chiến trường.
Màn đối đầu giữa Hollywood và AI
Khi các nhà biên kịch Hollywood bắt đầu biểu tình vào tháng 5, yêu cầu lớn nhất của họ chỉ là hủy bỏ các hoạt động trả lương do hãng trực tuyến Netflix đưa ra. Nhưng chỉ trong vài tuần, trọng tâm của họ đã chuyển sang một mối đe dọa khác: trí tuệ nhân tạo.
Đến tháng 7, liên minh SAG-Aftra đại diện cho 160.000 diễn viên đã tham gia cùng các nhà biên kịch, và căng thẳng giữa liên đoàn và lãnh đạo hãng phim nhanh chóng bùng phát, khiến hoạt động đóng phim và chương trình truyền hình bị đình trệ.
Các cuộc đình công cũng tận dụng được năng lượng của phong trào lao động đang phát triển ở Mỹ và cuối cùng các công đoàn đã đảm bảo được thỏa thuận tăng lương đáng kể cùng với tiền bản quyền tốt hơn từ việc phát trực tuyến, cũng như tạo ra bước đột phá mới trong luật lao động của Mỹ đối với AI.
Lạm phát ở Mỹ có bước ngoặt
Lạm phát của Mỹ đã thay đổi vào mùa Hè - mặc dù các nhà hoạch định chính sách chưa dám thừa nhận điều đó. Dữ liệu lạm phát tháng 6, được công bố trong tháng 7, cho thấy mức tăng lạm phát chỉ còn 3%.
Phải đến tháng 12, Fed mới thừa nhận rằng họ có thể đã kết thúc chiến dịch thắt chặt của mình, sau 11 lần tăng đã nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm, 5,25-5,5%. Chủ tịch Fed Jerome Powell hiện đã chuyển trọng tâm sang thời điểm và mức độ cắt giảm lãi suất.
Một số người thận trọng tin rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ phải đến gần giữa năm 2024 mới bắt đầu giảm lãi suất, trong khi những người khác cho rằng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất từ ngay tháng 3.
Hamas tấn công Israel, xung đột bùng nổ
Thời điểm các chiến binh Hamas phá vỡ các hàng rào an ninh xung quanh Gaza vào ngày 7/10 và tiến hành cuộc tấn công vào miền nam Israel lúc rạng sáng, nhóm này đã gây ra một chuỗi sự kiện tàn khốc tác động tới khắp khu vực Trung Đông đầy biến động và xa hơn.
Theo các quan chức Israel, khoảng 1.200 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công và 240 thường dân cùng binh lính bị bắt làm con tin. Đây được cho là vụ tấn công tồi tệ nhất ở Israel kể từ khi nhà nước Do Thái được thành lập cách đây 75 năm.
Theo các quan chức Palestine, bị tổn thương và giận dữ, Israel đáp trả bằng một cuộc tấn công dữ dội trên không và trên bộ vào Gaza do Hamas kiểm soát, khiến hơn 20.000 người thiệt mạng trong các cuộc bắn phá không ngừng vào dải đất này.
Hơn 80% trong số 2,3 triệu cư dân của Gaza đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, trong khi một cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc đang diễn ra này khi khu vực này phải chịu tình trạng thiếu lương thực, nước, nhiên liệu và thuốc men nghiêm trọng.
Cuộc “đảo chính” tại OpenAI
Trong một tuần làm rung chuyển Thung lũng Silicon, Sam Altman, ông chủ của công ty trí tuệ nhân tạo nổi tiếng nhất thế giới, lần đầu tiên bị đuổi việc, sau đó lại được phục chức trong một cuộc tranh giành quyền lực kịch tính.
OpenAI trước đó đã có một năm 2023 xuất sắc, đạt mức định giá hơn 80 tỉ USD và ra mắt phiên bản mới nhất của chatbot mạnh mẽ ChatGPT. Công nghệ này đã được sử dụng để tạo ra văn bản, mã và hình ảnh không thể phân biệt được với sự sáng tạo của con người.
Nguyên nhân Altman bị sa thải gây sốc vẫn còn là một ẩn số bí ẩn, hội đồng quản trị chỉ tuyên bố rằng "anh ấy không phải lúc nào cũng thành thực". Nhưng do áp lực từ các nhà đầu tư bao gồm Microsoft và cuộc nổi dậy của nhân viên, Altman đã được phục chức và 3 trong số 4 thành viên hội đồng quản trị ban đầu đã bị thay thế.
COP28 kết thúc với thỏa thuận “bất ổn” về khí hậu
“Sự điều chỉnh cần thiết vẫn chưa được đảm bảo”, đại biểu Samoa Anne Rasmussen cho biết chỉ vài phút sau khi chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber gõ búa đánh dấu sự kết thúc của hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Dubai và hứa hẹn sự khởi đầu cho sự kết thúc của nhiên liệu hóa thạch.
Quyết tâm tiếp tục sản xuất dầu mỏ của Arab Saudi luôn đe dọa cơ hội đạt được thỏa thuận chấm dứt các dự án nhiên liệu hóa thạch mới. Bởi vậy, cam kết tại COP28 chỉ có thể bắt đầu quá trình chuyển dịch khỏi dầu, khí đốt và than đá. Thỏa thuận này đạt được vào đầu giờ sáng ngày 13/12 và được đánh giá là vượt kỳ vọng.
Tuy nhiên, lời than thở của ông Rasmussen, đại diện cho các quốc đảo nhỏ đã phải trải qua một năm nóng kỷ lục, đã nhận được cả nước mắt lẫn sự hoan nghênh nhiệt liệt. Ngay trong ngày hôm sau, các nhà khoa học kết luận rằng thỏa thuận tại COP28 có thể khiến mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu nóng lên ở mức dưới 1,5 độ C nằm ngoài tầm với./.