G7 nóng chuyện Mỹ bị đồng minh 'cho ra rìa'
Ngày 8-6, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khai mạc tại tỉnh Quebec, Canada. Các đồng minh thân cận nhất của Mỹ tuyên bố sẵn sàng gây sức ép đối với Tổng thống Donald Trump về các mức thuế nhập khẩu mà Mỹ áp đặt đối với các sản phẩm thép và nhôm.
Ngày 8-6, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khai mạc tại tỉnh Quebec, Canada. Các đồng minh thân cận nhất của Mỹ tuyên bố sẵn sàng gây sức ép đối với Tổng thống Donald Trump về các mức thuế nhập khẩu mà Mỹ áp đặt đối với các sản phẩm thép và nhôm.
Hội nghị thượng đỉnh G7 (gồm Mỹ, Pháp, Canada, Anh, Đức, Italia và Nhật Bản) được xem là cơ hội để các nhà lãnh đạo, các Bộ trưởng và nhà làm chính sách của 7 nước cùng nhau tìm kiếm đồng thuận trong ứng phó với những thách thức chung toàn cầu, định hình xu hướng phát triển mới của thế giới và đạt được tiến bộ thực sự cho các mục tiêu đề ra. Các vấn đề nóng vốn năm nay như đầu tư vào những lĩnh vực tăng trưởng có lợi; chuẩn bị cho việc làm trong tương lai; tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; cùng hành động trong các vấn đề biến đổi khí hậu, đại dương, năng lượng sạch và xây dựng một thế giới hòa bình, an toàn hơn đã nhanh chóng bị lấn át, nhường chỗ cho một vấn đề sát sườn hơn, được G7 quan tâm hơn liên quan đến quyết định tăng thuế nhập khẩu của Mỹ.
“KHÔNG PHIỀN NẾU CÒN 6 NƯỚC”
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, các lãnh đạo G7 sẽ gây sức ép đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump về các mức thuế nhập khẩu mà Mỹ áp đặt đối với các sản phẩm thép và nhôm của các đồng minh, song vẫn giữ thái độ mềm mỏng để thuyết phục ông Trump thay đổi suy nghĩ.
Tổng thống Pháp Macron nói: “Tôi nhắc lại với Tổng thống Mỹ Donald Trump điều mà chúng tôi đã giải thích, các biện pháp của Mỹ sẽ phản tác dụng, kể cả nền kinh tế của Mỹ. Đối với tôi, có một vấn đề mang tính nguyên tắc, đó là bạn không được tiến hành chiến tranh thương mại đối với các đồng minh. Tôi sẽ cùng với Thủ tướng Trudeau và các đối tác khác thuyết phục ông Trump và tìm cách đưa các vấn đề thương mại trở lại bình thường”.
Ông Macron thậm chí còn cảnh báo rằng ông sẽ có thể bắt tay cùng các nguyên thủ khác nhằm chống lại các chính sách cô lập của Mỹ và tuyên bố “cảm thấy không phiền” nếu chỉ có 6 nước trong khối G7, dường như ám chỉ khối này không cần Mỹ. “Có thể Tổng thống Mỹ không quan tâm tới việc bị cô lập vào lúc này, nhưng chúng tôi không phiền khi chỉ còn 6 nước, nếu điều đó là cần thiết. 6 quốc gia trong khối G7 kết hợp lại có thị trường lớn hơn thị trường của Mỹ. Sẽ không có khái niệm bá quyền trên thế giới nếu chúng ta biết cách sắp xếp và tổ chức”, Tổng thống Pháp nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng, lời biện minh của Mỹ về việc áp mức thuế quan đối với thép và nhôm nhằm đảm bảo an ninh quốc gia là "buồn cười". Thủ tướng Canada cảnh báo, sẽ có các cuộc thảo luận thẳng thắn quanh bàn G7, đặc biệt là với Tổng thống Mỹ về vấn đề thương mại, cũng như các mức thuế quan mà chính quyền Mỹ đã áp đặt với nhiều nước, trong đó có các đồng minh Liên minh Châu Âu, Canada và Nhật Bản.
Phản ứng với phát biểu của hai nhà lãnh đạo Pháp và Anh, Tổng thống Trump đã lên tiếng phản pháo trên Twitter: “Hãy nói với Thủ tướng Trudeau và Tổng thống Macron là quốc gia họ đang tính thuế suất rất cao với hàng hóa Mỹ và tạo nên những rào cản phi tiền tệ”. Ông Trump nhắc lại về khoản thặng dư thương mại trị giá 151 tỷ USD với EU và cho rằng Canada làm ảnh hưởng tới các nông dân Mỹ và nền nông nghiệp Mỹ.
KHÔNG GẶP THỦ TƯỚNG ANH
Trong khi đó, quan hệ Anh-Mỹ dường như cũng đang gặp trục trặc.
Một nguồn tin chính phủ cho biết, Tổng thống Trump và Thủ tướng Anh Theresa May sẽ không đối thoại song phương chính thức bên lề G7.
Ông Trump được cho là đã tức giận vì cách tiếp cận của bà May trong các cuộc điện đàm, mà theo đó Thủ tướng Anh thường nhanh chóng đi thẳng vào các chi tiết chính sách hơn là có một cuộc nói chuyện lan man. Một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ cho biết, ông Trump đã thể hiện sự khó chịu vì những đòi hỏi thường xuyên của bà May mà theo ông, đó là sự lợi dụng quan hệ Anh - Mỹ.
Một cựu quan chức Nhà Trắng từng tham dự cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Anh - Mỹ cũng khẳng định mối quan hệ đôi bên “lạnh như băng”. “Tôi không có ý xúc phạm nhưng về cơ bản bà ấy giống như một bà giáo. Tôi không dám chắc ai đó lại có thể hợp được với bà ấy”, quan chức này cho biết.
Phản ứng trước những thông tin trên, bà May cho biết: “Tôi chỉ muốn đứng ra và đảm bảo rằng tôi được quyền nói. Đó là việc của bất cứ chính trị gia nào”.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_190673_g7-no-ng-chuye-n-my-bi-do-ng-minh-cho-ra-ri-a-.aspx