Gà chọi Loi Choi và những bài học để đời
Tác giả Nguyễn Thắm là người con của miền quê êm đềm, thơ mộng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi có con sông Hồng hiền hòa bồi đắp phù sa cho những cánh đồng mênh mông, để quanh năm lúa tốt, rau xanh và dưỡng nuôi những tâm hồn văn nhân, thi sĩ. Nhưng lớn lên, nhân duyên lại đưa đẩy chị gắn bó với mảnh đất miền Đông nhộn nhịp và hối hả, nơi thiên nhiên trù phú, đất đai mỡ màu, nhiều nắng gió.

Tác giả Nguyễn Thắm (thứ 2 từ phải sang) nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật Đồng Nai năm 2024.
Vì thế, chị thấm nhuần nét văn hóa hai vùng miền khác nhau, một bên là khiêm nhường, khuôn phép, còn một bên là năng động, phóng túng. Điều đó đã tạo nên một Nguyễn Thắm với phong cách văn chương giàu bản sắc, mới lạ...
Giọng văn sắc sảo, mượt mà
Tôi đã đọc của chị khá nhiều bài viết thuộc các thể loại khác nhau như tản văn, bút ký, tùy bút... xuất hiện trên các trang báo và tạp chí lớn nhỏ trong cả nước, lòng thầm ngưỡng mộ một cây bút trẻ không chuyên mà giọng văn sắc sảo, mượt mà, đã gặt hái được nhiều thành công trong một số cuộc thi văn chương và báo chí. Nhưng tôi vẫn không khỏi bất ngờ khi cầm trên tay tập truyện thiếu nhi mang tên Gà chọi Loi Choi đầu tay của chị.
Tập truyện kể về một chú gà con với những tính cách hiếu kì, ngỗ nghịch và có phần ích kỉ. Để rồi khi nhận ra sai trái, lỗi lầm thì cậu lại phải vượt chặng đường xa với vô vàn khó khăn, thử thách, hiểm nguy để cứu mẹ, cứu anh, tìm hạnh phúc đích thực của cuộc đời và chân lí sống. Đó là trong những lúc bế tắc, tuyệt vọng nhất phải hướng về tương lai. Dù trong hoàn cảnh nào cũng chọn thiện lương làm lẽ sống.
Thành công đầu tiên của tập truyện là những tình huống bất ngờ, thú vị mà người viết tạo ra khiến cho độc giả bị lôi cuốn vào mạch cảm xúc tò mò, hồi hộp và thích thú. Ví như lúc chú gà con tưởng chết mười mươi trong đôi cánh đại bàng thì được bầy ong và chích chòe giúp đỡ, để rồi sau cuộc chiến đấu dữ dội giữa kẻ ăn thịt và những con mồi thì nạn nhân bị bắt đi là anh Choai mạnh mẽ. Hay những thách thức oái oăm mà ông mèo đặt ra cho chú gà non nớt, cuộc chiến giữa chúa tể rừng xanh với hai con vật nuôi nhỏ bé, ngoan cường... Những tình huống ấy cho thấy sự thấu hiểu sâu sắc về thế giới cỏ cây, loài vật, tài quan sát tinh tế và trí tưởng tượng phong phú của tác giả. Có như vậy mới xây dựng được một loạt tình huống bất ngờ nối tiếp nhau với cách giải quyết logic, chặt chẽ, hợp lý và sáng tạo khiến độc giả bị cuốn vào câu chuyện.

Thành công thứ hai của tập truyện là khả năng miêu tả tính cách, diễn biến tâm lý của nhân vật trong từng bối cảnh. Gà con ban đầu giống như một cậu bé hiếu động và tinh nghịch, đó là điều tất yếu của bản năng loài vật mà tác giả đã đúc kết bằng lời tự sự của gà: “bảo một đứa trẻ đừng quậy phá chẳng khác nào bảo một bông hoa đừng bao giờ nở”. Hay khi lớn lên, ý thức về cái tôi bắt đầu ươm mầm, nảy nở trong tâm trí. Cậu thích được ca tụng, ngợi khen, thích khẳng định mình trong mắt mẹ, anh trai và cư dân quanh xóm. Khi điều mong muốn ấy không đạt được thì buồn bã, thất vọng rồi đố kỵ ganh ghét ngay cả với anh em của chính mình. Và bài học đắt giá khi rơi vào bẫy của đại bàng là cận kề cái chết thì cậu mới nhận ra lỗi lầm và ăn năn, hối hận...
Tập truyện thực sự là món ăn tinh thần thú vị, mang nhiều thông điệp nhân văn và ý nghĩa cho thiếu nhi, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số phát triển như vũ bão hiện nay.
Những thông điệp nhân văn
Truyện thiếu nhi bằng lối viết đồng thoại nhưng không chỉ mang màu sắc hồn nhiên, nhí nhảnh, sinh động của thế giới loài vật mà sâu xa là tác giả gửi gắm những đúc kết cô đọng, những thông điệp nhân văn và những bài học để đời. Đó là sự nhường nhịn, đùm bọc nhau giữa anh em ruột thịt, là sự giúp đỡ sẻ chia với bè bạn xung quanh. Đó là nghị lực vươn lên trước mọi hoàn cảnh để dành sự sống và đạt được ước mơ.
Đó còn là “thông điệp cảnh tỉnh con người về sự tàn phá mà họ gây ra cho môi trường sống của mình” và niềm hy vọng trước những mầm xanh trong lời của bác Cầy Hương “các cháu biết không, chính lúc ông nhìn thấy mầm xanh nhú lên khỏi mặt đất ông đã cảm thấy thiên nhiên vẫn yêu chúng ta và muốn nói với chúng ta rằng: sau mỗi cơn bão, sau mỗi thảm họa cuộc sống vẫn tiếp tục, và từ đống tro tàn, sự sống mới lại mọc lên mạnh mẽ và đầy hy vọng. Đó là quy luật tự nhiên, là bài học về sự kiên nhẫn... Chúng ta phải học cách tôn trọng thiên nhiên, thiên nhiên sẽ tôn trọng chúng ta”.
Và cuối cùng bài học lớn lao xuyên suốt cuộc hành trình mà Loi Choi học được đó là “mỗi chúng ta đều cần có những trải nghiệm, những va vấp, có những lúc đớn đau đối mặt với những khó khăn để chúng ta nhận ra rằng cuộc sống này tươi đẹp biết bao khi chúng ta có tình thương và chọn cho mình sự thiện lương làm lẽ sống”.