'Gác' bằng đại học về quê mở xưởng chế biến món 'vạn người thích', thanh niên thu tiền tỷ
Cầm trên tay tấm bằng cử nhân Luật nhưng anh Đức lại chọn khởi nghiệp trên quê hương của mình bằng nghề làm miến, hồng sấy dẻo cho doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng.
Sinh ra ở vùng nông thôn, Nguyễn Vinh Đức, SN 1991, trú tại xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An từng có mong ước thoát ly để lên thành phố lập nghiệp sau khi học xong đại học. Tuy nhiên, năm 2013, cầm trên tay tấm bằng đại học cử nhân Luật, Đức lại chọn đi XKLĐ ở Đài Loan.
Mặc dù, quyết định này vấp phải sự phản đối của gia đình, bạn bè nhưng anh Đức vẫn quyết tâm theo định hướng tương lai của mình.
Sau 4 năm cố gắng làm vất vả ở Đài Loan, Đức trở về quê. Chàng trai may mắn được nhận vào làm ở một công ty xuất nhập khẩu ở Nghệ An.
Vì gia đình chuyên cung cấp gạo cho các hộ làm miến ở làng nghề bún bánh Quỳ Chính, huyện Nam Đàn nên tranh thủ thời gian rảnh anh Đức đi phân phối gạo phụ giúp gia đình.
Trong quá trình này nam thanh niên nhận thấy gia đình mình có nguồn gạo sạch có thể tự sản xuất miến sạch theo tiêu chuẩn để xuất ra thị trường. Ý tưởng mở cơ sở sản xuất miến đã bắt đầu từ đó.
Năm 2020, chàng trai này xin nghỉ hẳn việc ở công ty xuất nhập khẩu và bắt đầu tìm hiểu về quy trình sản xuất miến sạch. Tuy nhiên, để mở một dây chuyền sản xuất miến không hề đơn giản.
“Việc đầu tiên phải thuê đất để mở xưởng, chi phí đầu tư máy móc hiện đại cũng cao,… và những chi phí kéo theo khác. Cái khó nhất là thời gian đầu do chưa quen máy móc nên miến làm ra hỏng liên tục và số lượng hỏng ngày càng tăng. Thời gian này đúng là quá gian nan và vất vả. Nhưng may mắn tôi nhận được sự ủng hộ động viên của gia đình nên có động lực để tiếp tục cố gắng”, anh Đức chia sẻ.
Trước những khó khăn, chàng trai này từng bước tìm cách tháo gỡ. Sau thời gian, dây chuyền sản xuất miến của anh cũng vận hành ổn định. Theo chàng trai, để sản xuất miến sạch, thơm, ngon,… phải trải qua nhiều công đoạn.
“Trước tiên phải chọn được gạo phù hợp để làm miến. Sau đó, tiến hành ngâm gạo từ 4-6 giờ đồng hồ mới đem ra xay với nước. Sau khi gạo xay thành hỗn hợp loãng sẽ cho vào bao vải để ép khô và tiếp đó sẽ cho bột vào máy đùn thành sợi miến”, anh Đức chia sẻ về quy trình làm miến.
Tiếp đó những sợi miến này sẽ được ủ trong vòng 8 tiếng rồi rũ qua nước lạnh và đem phơi trên sào. Ngoài khâu chọn nguyên liệu, ngâm, ủ,… thì miến phải phơi được nắng.
Theo nam thanh niên, những ngày nắng to thì miến chỉ cần phơi khoảng 2-3 ngày là khô. Tranh thủ thời gian nắng to, xưởng sẽ tăng số lượng sản xuất lên, còn những hôm trời không nắng thì phải đưa miến đi sấy.
Theo đó, trung bình mỗi ngày cơ sở của chàng trai này sản xuất được 5 -6 tạ miến, chủ yếu gồm 3 loại: miến gạo, miến gạo lứt và miến rau củ. Theo anh Đức sản phẩm chủ yếu xuất bán trong tỉnh và các tỉnh miền Trung.
Để sản phẩm của mình có thương hiệu hơn, năm 2021, Nguyễn Vinh Đức đã quyết định tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và đạt chứng nhận 3 sao. Đây là một bước ngoặt lớn để giúp Đức thêm phần tự tin để tiếp tục phát triển nghề làm miến.
Năm 2023, doanh thu sản xuất làm miến của anh đạt khoảng 2,5 tỷ đồng. Ngoài ra, xưởng sản xuất miến của anh còn tạo công ăn việc làm cho nhiều công nhân ở địa phương.
Không chỉ sản xuất miến, anh Đức còn táo bạo sấy thêm hồng dẻo, một đặc sản của huyện Nam Đàn.
“Ở xã Nam Anh, Nam Xuân,… được xem là “vựa hồng” lớn nhất tỉnh Nghệ An. Với mong muốn quảng bán sản phẩm và nâng tầm giá trị hồng tôi đã quyết định đầu tư máy móc, thiết bị để sấy hồng dẻo. Dần dà đặc sản hồng dẻo được nhiều khách hàng lựa chọn. Năm 2022, sản sản phẩm hồng sấy dẻo cũng đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao”, anh Đức chia sẻ thêm.
Hiện, cơ sở của anh Đức đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức lương bình quân 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm từ việc sấy hồng dẻo khoảng 500 triệu đồng.
"Anh Nguyễn Vinh Đức là thanh niên mạnh dạn trong làm kinh tế ở địa phương. Các sản phẩm của anh đều đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, được nhiều người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao. Đặc biệt, anh luôn đi đầu trong việc ủng hộ và nhiệt tình tham gia các hoạt động của Đoàn, Hội cũng như xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã nhà”, chị Nguyễn Thị Thanh Hương - Bí thư Đoàn xã Nam Xuân cho biết.