Gạc Ma vòng tròn bất tử

Những ngày cuối năm 2024, chúng tôi có dịp đến quần đảo Trường Sa để thăm cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đây. Hơn nửa tháng ở biển, chúng tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, hơn hết là càng tự hào, quý yêu thêm biển, đảo thiêng liêng. Nơi đó, ngày ngày, đêm đêm có những người lính hải quân chắc tay súng, vững niềm tin bảo vệ từng tấc đất, sải biển của Tổ quốc.

Đoàn phóng viên đến TP.Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) trước 1 ngày để khám sức khỏe; đồng thời, nghe Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phổ biến kế hoạch công tác. Tận dụng thời gian rỗi rảnh, chúng tôi đến thăm Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.

Khi đến đây, được tìm hiểu, nghe kể về truyền thống anh hùng của quân đội ta, được cảm nhận trực tiếp, chúng tôi càng bừng lên khí thế của “đoàn quân” chuẩn bị khởi hành.

64 hoa muống biển tượng trưng cho 64 chiến sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988

64 hoa muống biển tượng trưng cho 64 chiến sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988

Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma nằm trên một ngọn đồi thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Công trình được hoàn thành năm 2017 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động xây dựng. Tổng mức đầu tư công trình 130 tỉ đồng do đoàn viên và người lao động toàn quốc đóng góp.

Nổi bật giữa trời xanh là cụm tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”, bên trên là “Vòng tròn bất tử”. Chín nhân vật được điêu khắc đại diện cho 64 chiến sĩ Gạc Ma.

Tại đảo Gạc Ma, 6 giờ ngày 14/3/1988, Hải quân Trung Quốc thả thuyền nhôm và 40 quân đổ bộ lên đảo tiến về phía cờ Tổ quốc ta đang tung bay và giật cờ. Bị tấn công bất ngờ, bộ đội ta đã dũng cảm giành lại cờ và giữ đảo nhưng Thiếu úy Trần Văn Phương đã dũng cảm hy sinh, hạ sĩ Trần Văn Lanh bị thương.

7 giờ 30 phút, địch tiếp tục dùng 2 tàu bắn pháo 100mm vào Tàu HQ-604. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh chỉ huy bộ đội trên tàu sử dụng các loại súng AK, RPĐ, B40, B41 đánh trả quyết liệt cho đến khi tàu bị hỏng nặng và chìm xuống biển.

Tại đảo Cô Lin, 6 giờ 30 phút ngày 14/3/1988, Tàu HQ-505 của ta đã cắm được 2 lá cờ Tổ quốc. Khi tàu HQ-604 bị chìm, thuyền trưởng Tàu HQ-505 - Vũ Huy Lễ ra lệnh nhổ neo ứng cứu.

Bất chấp tàu địch đuổi theo bắn xối xả, Tàu HQ-505 vẫn chạy hết tốc độ, sau đó bị bốc cháy. Cán bộ, chiến sĩ vừa dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo, vừa nhanh chóng đưa xuồng đến cứu hộ tàu HQ-604.

Du khách tham quan, tìm hiểu về trận chiến Gạc Ma

Du khách tham quan, tìm hiểu về trận chiến Gạc Ma

Tại đảo Len Đao, 8 giờ 20 phút ngày 14/3/1988, tàu hộ vệ của Trung Quốc bắn dữ dội vào tàu HQ-605 của ta. Tàu HQ-605 bốc cháy và chìm lúc 6 giờ ngày 15/3/1988.

Trong trận chiến ngày 14/3/1988, 3 tàu của ta bị bắn cháy và chìm, 64 đồng chí hy sinh, 11 đồng chí bị thương, 9 đồng chí bị bắt giữ sau 3 năm mới được thả về.

Mặc dù lực lượng chênh lệch, phương tiện, vũ khí hạn chế nhưng cán bộ, chiến sĩ ta đã chiến đấu dũng cảm, không quản hy sinh, quyết tử đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Tại Khu tưởng niệm trưng bày nhiều tư liệu quý về công cuộc khai phá, chinh phục, xác lập chủ quyền biển, đảo của ông cha ta đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài ra, còn có di ảnh và nhiều di vật của cán bộ, chiến sĩ Hải quân như ba lô, đôi dép rọ nhựa, bộ quân phục, thư tay viết gửi gia đình,... Đó là những hình ảnh ý nghĩa, sống động nhất về công cuộc bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta.

Đoàn phóng viên chụp ảnh tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma

Đoàn phóng viên chụp ảnh tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma

Đoàn chúng tôi ở lại Khu tưởng niệm khá lâu, nhiều người bồi hồi, xúc động, ai cũng khâm phục ý chí, khí phách của cán bộ, chiến sĩ.

Chị Duy Anh - phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Hậu Giang, chia sẻ: “Tôi đã được nghe nhiều về trận chiến Gạc Ma. Khi đến đây, tôi hình dung rõ ràng, cụ thể hơn về trận chiến này. Tôi rất xúc động khi nhìn di ảnh các anh, những người không tiếc máu xương để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với vai trò của mình, tôi sẽ tích cực tuyên truyền để người dân hiểu rõ thêm, tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam”.

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Ngọc Bích - bảo vệ tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma. Nhìn sự rắn rỏi, vẻ mặt cương nghị, phong trần của ông, chúng tôi lân la hỏi thăm mới biết ông từng là chiến sĩ Trường Sa, đã làm nhiệm vụ trên nhiều điểm đảo.

Sau khi về hưu, với tinh thần cống hiến của Bộ đội Cụ Hồ, ông xin vào đây làm bảo vệ để có thể ít nhiều kể cho du khách nghe những câu chuyện anh hùng của người lính biển.

Theo ông Bích, nơi đây từ lâu là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng. Du khách đến đây nhiều thành phần, có không ít người trẻ tuổi. Đa số họ rất khâm phục, kính trọng, ngưỡng mộ những anh hùng đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chúng tôi rời Khu tưởng niệm với niềm tin được tiếp thêm, ý chí được vun bồi. Câu hát từ đâu vẳng bên tai: “Không xa đâu Trường Sa ơi! Không xa đâu Trường Sa ơi!”./.

Huỳnh Thông

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/gac-ma-vong-tron-bat-tu-a189265.html