Gầm cầu cạn, bãi đỗ xe và thời gian của đại biểu
Theo quy định tại dự thảo Luật Đường bộ, gầm cầu cạn sẽ được sử dụng để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ. Hai câu hỏi được nêu ra từ câu chuyện này? Điều này có nên hay không? Và thứ hai, về mặt kỹ thuật lập pháp, liệu luật có cần đưa riêng biệt 'cầu cạn' như một đối tượng điều chỉnh hay chỉ nêu nguyên tắc và cho phép chính quyền địa phương quyết định: cầu cạn, hay một công trình giao trình khác khi nào thì được cho phép sử dụng thành bãi đỗ xe.
Dự thảo Luật Đường bộ cùng với dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hai dự thảo được Chính phủ tách ra từ Luật Giao thông đường bộ sau khi cân nhắc kỹ lưỡng trên yêu cầu thực tế.
Một trong những điểm mới của dự thảo Luật này đó là bổ sung quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông để giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Theo dự thảo Luật, việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn chỉ được thực hiện trong trường hợp cầu đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật, không quá thời hạn tuổi thọ khai thác và phải bảo đảm khá nhiều điều kiện. Chẳng hạn phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông; có thiết kế tổ chức giao thông đấu nối nơi trông giữ xe với đường bộ trong khu vực; được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về biện pháp phòng cháy, chữa cháy; bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường. Dự thảo Luật cũng yêu cầu không sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, chất nguy hiểm khác và các phương tiện quá hạn sử dụng…
Đề xuất sử dụng gầm cầu cạn làm bãi đỗ xe xuất phát từ thực tế các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... rất thiếu chỗ để xe, đặc biệt ở khu vực trung tâm đô thị. Chẳng hạn, diện tích các điểm, bãi đỗ xe trên địa bàn Hà Nội mới chỉ chiếm 0,12% diện tích các quận nội thành, đáp ứng chỗ đỗ cho khoảng 10% tổng nhu cầu đỗ xe; 90% số phương tiện còn lại đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan...
Dù vậy vẫn có hai luồng ý kiến về đề xuất này. Một bên tán thành sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông vì quỹ đất dành cho giao thông đường bộ rất hạn chế, nhất là tại các đô thị, thành phố lớn. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng điểm đỗ, bãi giữ xe chưa được quan tâm, dẫn đến tình trạng dừng, đỗ xe, trông giữ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè gây cản trở và ùn tắc giao thông.
Ngược lại, một bên cho rằng phải không nên sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông, bởi làm vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người dân, công trình và phương tiện ở khu vực này. Thực tế, cả Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng đều quy định không được dừng xe, đỗ xe tại vị trí này nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn công trình đường bộ.
Tuy nhiên, ở khía cạnh kỹ thuật lập pháp, việc yêu cầu Đại biểu Quốc hội cho ý kiến và thảo luận về vấn đề này có lẽ là không nên. Điều phù hợp hơn là có một điều khoản mang tính nguyên tắc về việc cho phép công trình giao thông được sử dụng tạm thời cho mục đích khác. Điều kiện cụ thể có thể do liên ngành xây dựng - giao thông - quy hoạch hướng dẫn; và địa phương (cấp quận, huyện) có thể đấu thầu - cấp phép khai thác chuyển đổi công năng tạm thời. Thời gian của đại biểu ở nghị trường là rất quý báu và không nên sa đà vào công việc của những nhà kỹ thuật.