Gam màu sáng trong bức tranh công nghiệp

Những tháng đầu năm, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, giá nhiên vật liệu tăng cao ảnh hưởng lớn đến các chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất, xuất khẩu song được sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ngành, các địa phương đã có nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chín tháng năm 2022 có nhiều khởi sắc. Đóng góp quan trọng vào bức tranh công nghiệp với gam màu sáng chủ đạo là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN).

May quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH Yakjin ở Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì.

Tỉnh Phú Thọ đã được Chính phủ phê duyệt bảy KCN, tổng diện tích đất quy hoạch bảy KCN là 2.285ha. Đến nay đã có bốn KCN đi vào hoạt động, ba KCN còn lại đang thu hút nhà đầu tư hạ tầng. Diện tích bốn khu công nghiệp đã được thành lập và đầu tư xây dựng trên 1.347ha, bằng 59% tổng diện tích quy hoạch bảy KCN. Các KCN đã thu hút khoảng 170 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho trên 48 nghìn lao động với thu nhập bình quân 7,2 triệu đồng/người/tháng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 21 CCN được thành lập với diện tích trên 1044,8ha. Hiện tại, 18 CCN đã và đang đi vào hoạt động, thu hút trên 130 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh vào các CCN (gồm 99 dự án trong nước và 31 dự án FDI), số vốn đăng ký đạt trên 6,1 nghìn tỉ đồng, diện tích đã đăng ký thuê 490,3ha. Trong số đó đã có 116 dự án đi vào sản xuất với tổng vốn đầu tư trên bốn ngàn tỉ đồng, tạo ra giá trị sản xuất trên 11.000 tỉ đồng năm, nộp ngân sách hơn 1.000 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho trên 14 ngàn lao động.

Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong KCN, CCN đã đóng góp vào tăng trưởng công nghiệp của tỉnh. Chín tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 13,24% so cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9.500 triệu USD, tăng 68,9% so với cùng kỳ, đạt 118,7%/kế hoạch năm. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: Thiết bị linh kiện điện tử, hàng may mặc, vải bạt, bao bì PP, PE, chè,…; thị trường chủ yếu: Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 8.700 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ, đạt 110,12%/kế hoạch năm. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là phụ kiện, linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu ngành may, da giày, nhựa PP, PE…; thị trường nhập khẩu chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng- Giám đốc Sở Công thương cho biết: Sở đang phối hợp với đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan để tiếp tục hoàn thiện Phương án phát triển KCN, CCN tích hợp vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Để phát triển các KCN, CCN trong thời gian tới cần tập trung triển khai, cụ thể hóa khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh, tập trung phát triển hạ tầng giao thông; hạ tầng KCN, CCN; hạ tầng điện, thông tin liên lạc… Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành có hiệu quả của Ban chỉ đạo các công trình trọng điểm của tỉnh, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh, đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính và đảm bảo chức năng quản lý nhà nước theo hướng đơn giản, hiệu quả, minh bạch và tiết kiệm. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, tích cực xúc tiến thu hút đầu tư vào các KCN, CCN, ưu tiên lựa chọn các dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ, các dự án quy mô lớn, có khả năng đóng góp nhiều cho ngân sách, không thâm dụng lao động, đất đai.Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp...

Trịnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/gam-mau-sang-trong-buc-tranh-cong-nghiep/188075.htm