Gần 1 tỷ USD tiền mã hóa giao dịch trong các hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam
Tổng giá trị tiền mã hóa Việt Nam nhận về giai đoạn từ 10/2021- 10/2022 là 90,8 tỷ USD. Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là gần 1 tỷ USD. Việt Nam đứng trong top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn Binance.
Ngày 20/9, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa”, trong khuôn khổ triển khai Luật Phòng, chống rửa tiền.
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho hay, tại Việt Nam, tiền mã hóa đang là lĩnh vực chưa có quy định pháp lý rõ ràng trong khi khối lượng giao dịch thực tế đứng thứ 15 thế giới và mức độ chấp nhận tiền mã hóa đứng đầu thế giới.
Xét theo địa chỉ truy cập mạng internet thì nền tảng được sử dụng nhiều nhất để giao dịch tiền mã hóa của người dùng ở Việt Nam là sàn giao dịch Binance.com với gần 42 triệu lượt truy cập từ 1/10/2021 đến 1/10/2022. Việt Nam đứng trong top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn Binance. Nền tảng đứng thứ hai là sàn giao dịch có tên là Exness.com, với 21,89 triệu lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian.
Tổng giá trị tiền mã hóa Việt Nam nhận về trong giai đoạn từ 10/2021 đến 10/2022 là 90,8 tỷ USD. Trong đó, các hoạt động bất hợp pháp là 956 triệu USD.
Công nghệ blockchain ra đời kéo theo đó là nguy cơ gia tăng tội phạm tài chính, rửa tiền sử dụng công nghệ cao theo chiều hướng tinh vi, phức tạp và tốc độ nhanh chóng thì phần lớn các quốc gia đều chưa có hành lang pháp lý theo kịp sự thay đổi này.
Tính tới thời điểm hiện nay mới chỉ có một số quốc gia, vùng lãnh thổ kịp ban hành quy định pháp lý để ngăn chặn tội phạm tài chính sử dụng công nghệ cao và công nghệ blockchain như Liên minh châu Âu (EU) với đạo luật Thị trường Tài sản mã hóa (MiCA). Tuy nhiên, cũng phải đến năm 2024, MiCA mới chính thức có hiệu lực.
Các nền kinh tế năng động khác như Mỹ, Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, cũng ban hành nhiều quy định để tăng cường tính minh bạch, đảm bảo tuân thủ pháp lý và an toàn cho người dùng đồng thời thực hiện nghĩa vụ AML/CFT (chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố).
Còn tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, do chưa có khung pháp lý cụ thể, đồng thời do thiếu hụt về quy trình, nhân sự chất lượng cao về tiền mã hóa và tài sản số nên mặc dù Luật Phòng chống rửa tiền 2022 đã có hiệu lực từ ngày 1/3/2023 nhưng các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước còn lúng túng trong việc xử lý các hành vi có liên quan đến loại hình tài sản mới này.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, thủ đoạn của tội phạm để thực hiện hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nhất là đối với lĩnh vực tiền kỹ thuật số, tiền ảo (tiền mã hóa), nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ.
“Những năm gần đây tiền mã hóa được sử dụng để thanh toán, song không loại trừ có cả hành vi rửa tiền thông qua giao dịch loại tiền này. Do đó, giám sát trong lĩnh vực tiền mã hóa là một trong những nhiệm vụ cấp bách đối với các cơ quan quản lý tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, ông Hùng khuyến nghị.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền. Thông tư quy định, giao dịch tiền điện tử trong nước từ 500 triệu đồng trở lên và chuyển tiền điện tử quốc tế có từ 1.000 USD thì các ngân hàng phải báo cáo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, siết giao dịch đáng ngờ không hẳn chỉ là con số mà phải bằng các nghiệp vụ khác. Bởi nguy cơ rửa tiền vẫn luôn rất lớn, nhất là khi có nhiều công nghệ mới, kinh tế số phát triển…
Theo các chuyên gia, để tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống rửa tiền cần bổ sung bao quát tất cả lĩnh vực có thể diễn ra hoạt động rửa tiền gồm: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, trò chơi có thưởng và casino, bất động sản, thương mại điện tử, giao dịch tiền ảo, tài sản ảo…; Cơ quan có thẩm quyền cần đưa hoạt động "cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, nền tảng công nghệ số, cung ứng dịch vụ liên quan tiền điện tử, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo" vào Luật Phòng, chống rửa tiền