Gần 10 năm MH370 mất tích: Tòa án Trung Quốc xét xử vụ kiện đòi bồi thường từ 40 gia đình nạn nhân

Đã gần 10 năm kể từ khi chuyến bay MH370 mất tích cùng với 239 người, tòa án Bắc Kinh xét xử vụ kiện đòi bồi thường từ 40 gia đình nạn nhân người Trung Quốc.

Ngày 8-3-2014, chuyến bay chở khách mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đi chệch khỏi lộ trình dự kiến từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc – TQ). Chiếc máy bay sau đó được cho là đã biến mất bí ẩn tại khu vực Ấn Độ Dương, mang theo 239 con người.

Trong suốt gần 10 năm qua, các gia đình đã cố gắng tìm cách đòi công lý cho các nạn nhân, tìm bồi thường cho thân nhân những người bị mất tích.

Ngày 27-11, Tòa án nhân dân quận Triều Dương ở Bắc Kinh (TQ) bắt đầu xét xử đơn kiện của một nhóm gia đình yêu cầu bồi thường cho thân nhân các nạn nhân người TQ có mặt trên chuyến bay MH370 mất tích, theo tờ China Daily.

 Bảng tưởng niệm nạn nhân chuyến bay MH370 mất tích tại Kuala Lumpur (Malaysia). Ảnh: REUTERS

Bảng tưởng niệm nạn nhân chuyến bay MH370 mất tích tại Kuala Lumpur (Malaysia). Ảnh: REUTERS

Trước đó, hơn 40 người thuộc gia đình các nạn nhân người TQ mất tích trong chuyến bay trên đã đệ đơn kiện lên Tòa án nhân dân quận Triều Dương. Các nguyên đơn yêu cầu bồi thường dân sự từ 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD) đến 80 triệu nhân dân tệ (11,2 triệu USD) mỗi người, phần lớn là để bù đắp nỗi đau tinh thần của họ.

Các bị đơn bao gồm Malaysia Airlines, hãng sản xuất máy bay Boeing, hãng sản xuất động cơ máy bay Rolls-Royce, và công ty bảo hiểm Allianz.

Các phiên điều trần dự kiến kéo dài đến ngày 6-12.

Với một số người, phiên tòa lần này là hy vọng mới cho họ, sau gần 10 năm miệt mài lần tìm dấu vết chuyến bay MH370 mất tích.

Gần 10 năm đi tìm công lý

Trong số 239 người trên chuyến bay, có 153 người là công dân TQ.

Bà Giang Thúy Vân là một trong số những hành khách tích trên chuyến bay MH370 mất tích. Trong gần 10 năm qua, ông Giang Huy – con trai bà Giang – không ngừng trông đợi kết quả cuộc điều tra nguyên nhân MH370 mất tích.

Trả lời đài CNN trước phiên điều trần hôm 27-11, ông Giang nói: “Gần 10 năm trôi qua, các thành viên trong gia đình tôi (những người không chấp nhận thỏa thuận bồi thường) không nhận được bất kỳ lời xin lỗi hay một xu bồi thường nào. Thực sự tâm trạng của tôi bây giờ rất phức tạp”.

Ông Giang tin rằng Malaysia Airlines, Boeing - nhà sản xuất động cơ máy bay, và công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm theo luật pháp TQ về những thiệt hại xảy ra trong quá trình vận chuyển.

Ông Giang yêu cầu các bị đơn bồi thường, xin lỗi chính thức và tiếp tục hỗ trợ tâm lý cho các thành viên trong gia đình nạn nhân. Ông cũng đề nghị các bị đơn lập quỹ để tiếp tục tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.

“Việc thiếu các biện pháp khắc phục pháp lý trong gần 10 năm qua đã khiến cuộc sống của chúng tôi vốn đã đau khổ càng trở nên khó chịu hơn” – ông Giang nói.

Trả lời CNN trước phiên điều trần, đại diện Boeing cho biết: “Suy nghĩ của chúng tôi tiếp tục hướng về những người có mặt trên chuyến bay MH370 và người thân của họ”.

Malaysia Airlines, công ty bảo hiểm Allianz, và công ty sản xuất động cơ Rolls-Royce vẫn chưa đưa ra bình luận trước phiên điều trần.

Theo CNN, tất cả bị đơn trong phiên điều trần đều là công ty quốc tế có trụ sở bên ngoài TQ. Do đó, các chuyên gia vẫn chưa thể đưa ra dự đoán về kết quả phiên điều trần.

Tuy nhiên, đây không phải là vụ kiện đầu tiên liên quan vụ MH370 mất tích.

Trước đó, các vụ kiện tương tự tại Mỹ đã bị bác bỏ với lý do những vụ kiện này phải được hệ thống pháp luật của Malaysia xử lý.

Tại Malaysia, hai cậu bé mất cha trên chuyến bay MH370 đã kiện Malaysia Airlines vì vi phạm hợp đồng vận chuyển và kiện chính phủ Malaysia vì sơ suất. Vụ kiện sẽ được tòa án Malaysia giải quyết trong năm 2024.

 Gia đình các nạn nhân trong vụ MH370 mất tích, tập trung gần Tòa án nhân dân quận Triều Dương, Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: REUTERS

Gia đình các nạn nhân trong vụ MH370 mất tích, tập trung gần Tòa án nhân dân quận Triều Dương, Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: REUTERS

Thỏa thuận

Tại Trung Quốc, nhiều gia đình ký thỏa thuận với Malaysia Airlines. Họ đã nhận được khoản bồi thường 2,5 triệu nhân dân tệ (350.000 USD). Ban đầu chỉ có vài chục gia đình TQ ký hợp đồng bồi thường, nhưng qua nhiều năm, ngày càng có nhiều gia đình chọn thỏa thuận với Malaysia Airlines.

Theo ông Giang, đến tháng 3-2021, khoảng 90 gia đình vẫn từ chối thỏa thuận với Malaysia Airlines. Tuy nhiên, con số này đã giảm một nửa sau đại dịch COVID-19.

Ông Giang cho biết hiện chỉ còn khoảng 40 gia đình chưa chấp nhận nhận bồi thường, họ từ chối ký thỏa thuận bồi thường vì đồng nghĩa với việc cho phép Malaysia Airlines thoát trách nhiệm.

“Trên hành trình dài tìm kiếm sự thật, nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là ảnh hưởng đến sự sống. Họ chọn thỏa thuận như là phương sách cuối cùng để đảm bảo cuộc sống của mình. Nhưng dù có chấp nhận thỏa thuận hay không, mục tiêu cuối cùng của chúng tôi vẫn như nhau – đó là tìm thấy chiếc máy bay và những người thân yêu của chúng tôi” – ông Giang nói.

Một báo cáo năm 2018 của chính phủ Malaysia kết luận nhóm điều tra “không thể xác định được nguyên nhân thực sự khiến MH370 biến mất”. Báo cáo cho thấy khả năng con người can thiệp gây nên sự cố cao hơn khả năng máy bay bị trục trặc hệ thống.

Ông Giang cho biết một số thành viên gia đình các nạn nhân vẫn tin rằng những người thân yêu của họ còn sống. Riêng ông Giang, ông cho biết ông giữ quan điểm cởi mở và sẽ chấp nhận mọi kết quả, miễn là có bằng chứng.

Động lực

Suốt gần 10 năm trời đi tìm sự thật, Ông Giang cho biết lý do chính thúc đẩy ông làm việc này là muốn làm điều gì đó cho mẹ mình.

“Tôi đã đến tuổi phải báo hiếu với mẹ nhưng tôi không còn cơ hội để làm điều đó nữa. Vì vậy, tìm được mẹ là cách duy nhất để tôi có thể thể hiện sự hiếu thảo với bà ấy” – ông Giang nói.

Trước thảm kịch MH370, ông Giang giữ chức quản lý tại một công ty truyền thông ở Bắc Kinh. Nhưng một năm sau khi chuyến bay MH370 mất tích, ông quyết định rời công ty để tập trung thời gian và sức lực vào việc tìm kiếm chiếc máy bay.

 Ông Giang Huy. Ảnh: CNN

Ông Giang Huy. Ảnh: CNN

Trong nhiều năm, ông Giang đã tìm gặp các đội tìm kiếm ở Úc, đi khắp các bờ biển xa xôi của Mauritius, Madagascar và vùng Réunion (một hòn đảo của Pháp ở Ấn Độ Dương) để tìm kiếm các mảnh vỡ của chiếc MH370 mất tích.

Tại Bắc Kinh, ông Giang thường xuyên tổ chức các cuộc họp mặt với gia đình các nạn nhân. Tại đây, họ thảo luận về cách tìm kiếm công lý cho những người bị mất tích.

“Tôi từng hoàn toàn đắm chìm trong công việc trước kia của mình, nhưng giờ đây, tôi có thể thực sự hiểu đâu là ý nghĩa cuộc sống và điều quý giá nhất của cuộc sống là gì. Nếu tôi có thể giúp thúc đẩy quá trình tìm kiếm MH370, tôi sẽ cảm thấy rất hài lòng và hạnh phúc. Niềm hạnh phúc đó không gì thể so sánh được” – ông Giang nói.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/gan-10-nam-mh370-mat-tich-toa-an-trung-quoc-xet-xu-vu-kien-doi-boi-thuong-tu-40-gia-dinh-nan-nhan-post763842.html