Gần 15 triệu người Việt Nam đang phải 'vật lộn' với rối loạn tâm thần

Theo thống kê của Bộ Y tế, gần 15 triệu người dân Việt Nam, tương đương 14,9% dân số, đang phải vật lộn với một trong mười chứng rối loạn tâm thần phổ biến.

Sự gia tăng các rối loạn tâm thần, bao gồm trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau chấn thương, nghiện rượu và chất kích thích, đang trở thành một trong những gánh nặng y tế hàng đầu của quốc gia. Đáng lo ngại là sự trẻ hóa tỷ lệ mắc các rối loạn tâm thần khi có đến 3 triệu trong số 15 triệu người có vấn đề về sức khỏe tâm thần là những người trẻ, trong độ tuổi học tập và là thế hệ tương lai của đất nước.

Việt Nam đang đối mặt với một thách thức đáng báo động về sức khỏe tâm thần. (Ảnh minh họa)

Việt Nam đang đối mặt với một thách thức đáng báo động về sức khỏe tâm thần. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan ngại không chỉ nằm ở con số người mắc bệnh, mà còn ở việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc và điều trị. Chỉ khoảng 29% số người mắc rối loạn tâm thần và 1/3 số người bị trầm cảm được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần chính thức. Tình trạng này cho thấy, một khoảng cách lớn giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.

Tình trạng thiếu thốn cơ sở vật chất và nhân lực cũng là một vấn đề nan giải. Khảo sát năm 2022 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, chỉ có 9,1% trong số 649 bệnh viện huyện/trung tâm y tế quận huyện có khả năng điều trị nội trú cho người bệnh tâm thần. Hơn nữa, số lượng nhà tâm lý lâm sàng và tâm lý trị liệu trên toàn quốc lại rất hạn chế, chỉ khoảng 143 người và dịch vụ này vẫn chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Điều này càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho những người bệnh mắc các chứng rối loạn tâm thần.

Việc đầu tư cho hệ thống y tế để kịp thời chăm sóc và điều trị những người mắc rối loạn tâm thần là việc làm đúng đắn và cần thiết, nhưng chưa đủ và không thể là giải pháp bền vững. Cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, tập trung vào vấn đề phòng, chống các bệnh rối loạn sức khỏe tâm thần, giúp giảm gánh nặng cho việc chăm sóc, điều trị, đồng thời nâng cao sức khỏe toàn diện cho người dân.

Tuy nhiên, luật pháp Việt Nam hiện nay hoàn toàn chưa có văn bản nào quy định để điều chỉnh các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Đó chính là bất cập và thách thức rất lớn, ảnh hưởng đến mục tiêu tổng quát là nâng cao sức khỏe toàn diện, cả về thể chất và tinh thần cho người Việt Nam, do Bộ Chính trị đề ra tại Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung Ương khóa XII.

Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thông tin, Bộ Y tế đề xuất 5 chính sách lớn trong dự án Luật Phòng bệnh. Từng chính sách có mục tiêu riêng là phòng các bệnh theo từng lĩnh vực nhưng đều hướng tới mục tiêu chung, xuyên suốt là phòng bệnh góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

5 chính sách đề xuất

1. Phòng, chống bệnh không lây nhiễm;
2. Phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần;
3. Bảo đảm dinh dưỡng trong phòng bệnh;
4. Phòng bệnh trước tác động của các yếu tố nguy cơ khác như phòng bệnh trong các cơ sở giáo dục, trong cung cấp nước sạch, bảo vệ sức khỏe trước ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu, dự phòng thương tích và sơ cấp cứu tại cộng đồng;
5. Các điều kiện bảo đảm để phòng bệnh.

Theo Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, giữa các chính sách có mối liên kết chặt chẽ với nhau, bổ trợ cho nhau như việc thực hiện tốt chính sách dinh dưỡng sẽ góp phần đạt được mục tiêu chính sách về phòng, chống bệnh không lây nhiễm cũng như bệnh truyền nhiễm.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, vì dinh dưỡng là nền tảng sức khỏe, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng thì sẽ có nguy cơ cao dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, viêm phổi. Và ngược lại, một chế độ dinh dưỡng không hợp lý sẽ khiến nguy cơ bị thừa cân, béo phì và mắc các bệnh mãn tính không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường... tăng cao. Do vậy, thực hiện tốt việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm cũng làm giảm áp lực lên cuộc sống người dân, giúp sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân được cải thiện, góp phần đạt mục tiêu về chính sách phòng, chống rối loạn sức khỏe tâm thần.

Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: Chí Hiếu

Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: Chí Hiếu

"Đây là các chính sách lần đầu tiên được đề xuất điều chỉnh ở cấp độ luật để bảo đảm cho các hoạt động này được thực hiện ổn định, lâu dài và là hướng đi mới đối với công tác phòng bệnh để đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân" - TS Hoàng Minh Đức nhấn mạnh.

Việc xây dựng Luật phòng bệnh theo hướng chỉnh lý, bổ sung Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm ban hành từ năm 2007 sẽ khắc phục những bất cập trong luật pháp hiện nay, đảm bảo bao quát cả những vấn đề còn đang thiếu cơ sở pháp lý, trong đó có các vấn đề về phòng, chống, chăm sóc và điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần.

Theo đó, Bộ Y tế cho rằng, việc xây dựng Luật Phòng bệnh là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội do vậy Bộ Y tế tiếp tục đề xuất bổ sung dự án Luật Phòng bệnh vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 để sớm được Quốc hội xem xét và ban hành trong năm nay.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/gan-15-trieu-nguoi-viet-nam-dang-phai-vat-lon-voi-roi-loan-tam-than-post1156917.vov