Gần 20 năm chưa khép kín Vành đai 2 TP.HCM

Dù được quy hoạch từ năm 2007, đường vành đai 2 TP.HCM vẫn chưa được khép kín vì còn 4 đoạn đường dài 14km chưa hoàn thành.

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) đã có báo cáo gửi Sở Tài chính, Sở Xây dựng về tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm TP.HCM trong tháng 5.

Trong đó có dự án xây dựng đường vành đai 2, đáng chú ý là tình hình thực hiện đoạn 3 đường vành đai 2, đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1 (theo hình thức hợp đồng BT) do Công ty CP Văn Phú Bác Ái làm chủ đầu tư.

2,7km vành đai 2 ngưng thi công hơn 5 năm

Dự án đường Vành đai 2 TP.HCM – một trong những công trình giao thông chiến lược của thành phố – được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài 64 km, nhằm mục tiêu phân luồng, giảm tải áp lực giao thông nội đô. Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ, đến nay vẫn còn 14 km của tuyến đường này chưa được khép kín.

Trong đó, đoạn 3 dài 2,7 km, nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa – Quốc lộ 1 (TP Thủ Đức), được khởi công từ năm 2017 theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), với tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng (riêng chi phí giải phóng mặt bằng đã chiếm hơn 1.800 tỷ đồng). Dù từng nhiều lần điều chỉnh thời gian thực hiện, từ giai đoạn 2015–2017 đến 2023–2026, dự án vẫn rơi vào cảnh đình trệ.

Từ tháng 3-2020 đến nay, đoạn đường này đã ngừng thi công khi mới hoàn thành 44% khối lượng. Sau hơn 5 năm bị “bỏ quên”, công trường hoang hóa, nhiều hạng mục dở dang hoen gỉ vì phơi nắng mưa, cỏ dại mọc um tùm, và người dân tận dụng đất trống để chăn thả gia súc, mở lối đi tắt.

 Đoạn 3 vành đai 2 ngưng thi công từ tháng 3-2020.

Đoạn 3 vành đai 2 ngưng thi công từ tháng 3-2020.

Nguyên nhân chính khiến dự án bị “đóng băng” kéo dài là do công tác giải phóng mặt bằng tại TP Thủ Đức vẫn còn vướng mắc ở một số vị trí chưa bàn giao. Bên cạnh đó, nhà đầu tư hiện đang chờ ký phụ lục hợp đồng BT liên quan đến điều chỉnh cơ cấu giá trị xây lắp và định giá đất, để tiếp tục triển khai các dự án khác trong gói thanh toán.

Trước tình hình này, Ban Giao thông TP.HCM đã kiến nghị nhóm công tác liên ngành sớm thúc đẩy tiến độ giải quyết các chỉ đạo của UBND TP liên quan đến việc điều chỉnh dự án, hoàn thiện phụ lục hợp đồng và bố trí quỹ đất thanh toán.

Việc chậm trễ kéo dài không chỉ gây lãng phí ngân sách và thời gian, mà còn làm tăng chi phí do trượt giá, và làm phát sinh lãi thực hiện dự án BT, ảnh hưởng lớn đến tiến độ kết nối hạ tầng và phát triển kinh tế khu vực.

UBND TP Thủ Đức được yêu cầu khẩn trương hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao phần diện tích còn lại để nhà đầu tư tiếp tục triển khai thi công. Đồng thời, nhà đầu tư cũng cần nhanh chóng chuyển giao phần kinh phí còn lại của dự án bồi thường – giải phóng mặt bằng, ước tính khoảng 142 tỷ đồng, để tái khởi động công trình.

Ngày 17-4, Văn phòng UBND TP có Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường tại cuộc họp về báo cáo tiến độ tháo gỡ khó cho dự án. Theo đó cho biết hiện nay, các Sở ngành, đơn vị liên quan đang tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án (điều chỉnh dự án, đàm phán Phụ lục Hợp đồng, thanh toán quỹ đất, giải phóng mặt bằng...) để tiếp tục triển khai thi công các hạng mục còn lại.

3 đoạn còn lại hiện ra sao?

Ngoài dự án trên, trong 3 đoạn còn lại thuộc vành đai 2 đang được đầu tư, đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đường Võ Nguyên Giáp và đoạn 2 từ đường Võ Nguyên Giáp đến Phạm Văn Đồng dài khoảng 2,75 km.

Hồi 19-4, TP.HCM đã tổ chức khởi công gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật và rà phá bom mìn dự án vành đai 2 đoạn 1 và đoạn 2, để sẵn sàng tổ chức thi công gói thầu xây lắp vào tháng 9.

 Đoạn 1, đoạn 2 của vành đai 2 đang được triển khai. Ảnh: Nguyễn Tiến

Đoạn 1, đoạn 2 của vành đai 2 đang được triển khai. Ảnh: Nguyễn Tiến

Tổng mức đầu tư về xây lắp giai đoạn 1 của đoạn 1, đoạn 2 là 5.239 tỉ đồng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 8.627 tỉ đồng với 1.154 trường hợp bị ảnh hưởng, 62 ha đất phải thu hồi. Dự kiến khởi công công trình vào Quý III-2025, hoàn thành công trình Quý II-2027.

Ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Giao thông – cho biết, hai đoạn còn lại của tuyến vành đai 2 (đoạn 1 và đoạn 2) có tổng chiều dài khoảng 6 km. Khi hoàn thành, các đoạn này sẽ kết nối liền mạch với đoạn 3 đang được triển khai, qua đó khép kín hoàn toàn tuyến đường Vành đai 2 trên địa bàn TP Thủ Đức.

Việc nối thông các đoạn tuyến sẽ tạo nên trục giao thông hoàn chỉnh, góp phần cải thiện đáng kể năng lực hạ tầng khu vực phía Đông, giảm áp lực giao thông tại các cửa ngõ quan trọng và thúc đẩy phát triển đô thị vùng ven.

Hiện Ban Giao thông đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn để hoàn tất hồ sơ thiết kế, lập dự toán và tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công. Dự án đặt mục tiêu khởi công trong thời gian sớm nhất và phấn đấu thông xe toàn tuyến vào ngày 30-4-2027.

“Chúng tôi cam kết sẽ đẩy nhanh các thủ tục, bám sát tiến độ, huy động tối đa nguồn lực để đảm bảo hoàn thành dự án đúng thời hạn, chất lượng và hiệu quả”, ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh.

Dự án vành đai 2 được đầu tư xây dựng theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng đường song hành hai bên trong lộ giới quy hoạch 67m, vỉa hè 2 bên có bề rộng 6m/mỗi bên; đường song hành 2 bên có 3 làn xe/mỗi bên, dải đất dự trữ ở giữa rộng 31m.

Giai đoạn 2 sẽ đầu tư hoàn chỉnh, xây dựng hoàn chỉnh theo lộ giới quy hoạch 67m, trong đó ưu tiên xây dựng tuyến chính 6 làn xe trong phần đất dự trữ ở giữa.

Riêng đoạn 4 dài 5,3km của Vành đai 2 nối Quốc lộ 1 qua đường Nguyễn Văn Linh với tổng mức đầu tư 16.400 tỉ đồng vẫn chưa được triển khai.

NHƯ NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/gan-20-nam-chua-khep-kin-vanh-dai-2-tphcm-post850363.html