Gần 30 người nghi nhiễm lỵ trực trùng ở Cao Bằng, bệnh này nguy hiểm ra sao?
Các trường hợp tiêu chảy nghi do lỵ trực trùng có tuổi từ 6 tháng đến 75 tuổi, với biểu hiện đau bụng, sốt, tiêu chảy nhiều lần có nhầy máu...
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng cho biết, đơn vị vừa nhận được báo cáo của tuyến dưới về 28 trường hợp tiêu chảy nghi do lỵ trực trùng tại xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm. Bệnh lỵ trực trùng nguy hiểm ra sao, cách phòng thế nào?
Lỵ trực trùng dễ lây lan vào mùa nóng
Tiêu chảy do lỵ trực trùng nguy hiểm không? Lỵ trực trùng là bệnh nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính do trực khuẩn Shigella gây ra. Bệnh dễ phát thành dịch, diễn biến thường lành tính, ít có nguy cơ tử vong.
Theo WHO bệnh thường xuất hiện nhiều nhất ở các nước có khí hậu nhiệt đới và các nước kém phát triển. Trung bình hàng năm có khoảng 140 triệu người mắc, 600.000 người tử vong do bệnh lỵ trực trùng.
Bệnh lỵ trực trùng rất dễ gia tăng và bùng phát trong mùa hè, khi thời tiết nắng nóng, cùng với bão lũ. Bệnh chủ yếu lây lan qua đường phân – miệng, từ người bệnh sang người lành trực tiếp qua tiếp xúc, hoặc gián tiếp qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Các loại côn trùng như ruồi, nhặng, gián… làm lây lan mầm bệnh sang thức ăn.
Nguyên nhân do thời tiết bất thường vào mùa hè, nắng nóng gay gắt, cùng với nhiều đợt mưa bão lớn trên khắp cả nước khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Vô số các loại sinh vật từ đất, bụi, rác thải hòa vào dòng nước, tràn ra nhiều nơi. Những dòng nước bẩn này mang theo hàng tỷ trực khuẩn Shigella "trộn" vào các bể nước ăn, bể tắm, nhà cửa, khu vực công cộng… gây bệnh lỵ trực trùng cho con người.
Bệnh lỵ trực trùng phần lớn xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 4 tuổi, do hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt và ý thức giữ gìn vệ sinh chưa tốt.
Bệnh thường dễ lây lan nhất ở những khu vực đông người như các trường mầm non, trường tiểu học và các nơi giữ trẻ tư nhân không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, nếu trong gia đình có trẻ bị lỵ trực trùng, những người thân đều có nguy cơ mắc bệnh cao. Ở những quốc gia kém phát triển, nơi không cung cấp đủ nước sạch, người dân thường bị lỵ trực trùng nặng và khó chữa.
Biểu hiện của lỵ trực trùng
Bệnh lỵ trực trùng thường có diễn biến bệnh nhanh và xuất hiện triệu chứng từ 1 đến 3 ngày sau khi trực khuẩn lỵ xâm nhập cơ thể. Ở một số trường hợp, các triệu chứng có thể xuất hiện lâu hơn, thậm chí không có dấu hiệu của bệnh lý.
Thông thường, người bệnh lỵ trực trùng có những dấu hiệu rất dễ nhận biết như:
Sốt với nhiệt độ dao động từ 37,5 đến 39 độ C;
Đau co thắt theo từng cơn ở vùng bụng;
Tiêu chảy nhiều nước;
Buồn nôn hoặc nôn mửa;
Đau cơ, mỏi cơ;
Có máu hoặc chất nhầy trong phân.
Một số trường hợp không có triệu chứng sau khi trực khuẩn lỵ xâm nhập cơ thể, nhưng phân có thể là nguồn lây cho đến vài tuần sau.
Hội chứng lỵ trực trùng có thể diễn ra từ 5-10 ngày hoặc hơn. Người mắc lỵ trực trùng nếu được điều trị đúng sẽ khỏi bệnh sau 7 – 14 ngày. Không điều trị hoặc điều trị không đúng, bệnh chuyển nặng hoặc trở thành mạn tính.
Tuy hầu hết những trường hợp mắc bệnh lỵ trực trùng có diễn biến lành tính, nhưng nhiều trường hợp tử vong bởi những biến chứng nguy hiểm của bệnh như: Gây chảy máu, hoại tử ruột, viêm phúc mạc, lồng ruột, sa trực tràng. Co giật do sốt cao, nhiễm độc thần kinh, trụy tim mạch, viêm tắc động tĩnh mạch. Rối loạn đông máu, suy thận, sốc nhiễm khuẩn, nhiễm độc, người bệnh thường tử vong sau 24-48 giờ…
Trường hợp bệnh chuyển nặng thường xảy ra ở trẻ em, người trên 65 tuổi, người suy giảm miễn dịch hoặc mắc sẵn các bệnh nền mạn tính. Biểu hiện của bệnh thường sốt cao 39 – 40 độ C, đau đầu liên tục, rất mệt mỏi, nét mặt phờ phạc. Người bệnh có cảm giác lơ mơ, có khi lú lẫn, thậm chí hôn mê, rối loạn nước điện giải, suy tuần hoàn…
Nếu điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ khỏi nhưng thời gian điều trị thường kéo dài và các biến chứng có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Ngoài ra, khả năng bệnh để lại di chứng là vô cùng cao. Nếu không điều trị, hoặc điều trị không đúng người bệnh sẽ tử vong.
Lời khuyên thầy thuốc phòng bệnh lỵ trực trùng
Để chủ động phòng chống bệnh lỵ trực trùng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:
Thực hiện vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống nước đã đun sôi.
Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh.
Sử dụng nước sạch, giữ vệ sinh nguồn nước công cộng.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi, xử lý phân, tuyệt đối không dùng phân tươi bón rau.
Khi có các dấu hiệu nhiễm bệnh (đau bụng, sốt), cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.