Gần 4,5 tỷ USD làm cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn
Dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn dự kiến có tổng vốn đầu tư hơn 113.500 tỷ đồng (khoảng 4,458 tỷ USD vào thời điểm đề xuất năm 2024), thực hiện trong thời gian 22 năm.
Trong tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định đối với dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cho biết, theo đề xuất của nhà đầu tư, địa điểm thực hiện dự án tại Cù lao Phú Lợi, huyện Cần Giờ, TP.HCM, khu vực tiếp giáp luồng Cái Mép - Thị Vải.
Về hình thức lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư, Nghị quyết số 98 của Quốc hội thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM, UBND Thành phố xác định, dự án cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn, thuộc danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố, là dự án “có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên”. Hiện nhà đầu tư gồm liên danh Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn và Terminal Investment Limited Holding S.A đề xuất làm chủ đầu tư dự án với tổng vốn đầu tư khái toán hơn 113.500 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án là 22 năm, chia làm 7 giai đoạn (từ 2027 - 2045).
Mục tiêu dự án nhằm xây dựng các dịch vụ liên quan đến khai thác cảng container cảng biển, xếp dỡ hàng container; sử dụng cầu, bến và phao neo; đại lý làm thủ tục hải quan; vận tải hàng hóa; phân tích, kiểm định kỹ thuật; các dịch vụ khác. Dự kiến trước ngày 30/6/2024, UBND TP.HCM sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch dự án.
Dự án có tổng chiều dài mặt sông khoảng 7,2 km, bao gồm khu vực bến chính dài 6,8 km, khả năng tiếp nhận đồng thời 13 tàu mẹ trọng tải đến 250.000 DWT, sức chở 24.000 TEUs và tàu trung chuyển; bến sà lan dài 1,9 km để tiếp nhận tàu tải trọng đến 5.000 tấn, sức chở 250 TEUs.
Về giao thông kết nối, dự án sẽ đầu tư đồng bộ đường kết nối từ đường Rừng Sác đến cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn, dự kiến khoảng 16.000 tỷ đồng theo phương án tuyến đi qua sông Lòng Tàu. Nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư (PPP), hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.
Khu vực xây dựng cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn, có sử dụng đất rừng tại khoảnh 11, khoảnh 12, Tiểu khu 19, rừng phòng hộ Cần Giờ, trong đó có hơn 86ha là rừng tự nhiên. Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện Cần Giờ đã rà soát vị trí, diện tích dự kiến để trồng rừng thay thế theo quy định tại Tiểu khu 10, 11, 13, 15, 16, 18, 19, 20, 21, 22 và 23 rừng phòng hộ Cần Giờ với tổng diện tích 258 ha.
Trong quá trình xây dựng đề án nghiên cứu cảng trung chuyển quốc tế cửa ngõ Sài Gòn, UBND TP.HCM đã tổ chức lấy ý kiến của UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai, Bình Dương và đã được các địa phương này cơ bản thống nhất.