Gần 4.800 tỷ đồng đầu tư xây cầu nối trục động lực TP.HCM - Long An - Tiền Giang
Nghị quyết cho phép huy động nguồn vốn 2,53 tỷ USD của Chính phủ để thực hiện 16 dự án ODA vùng đồng bằng sông Cửu Long, đã giúp tháo gỡ những vướng mắc cho các dự án hạ tầng trọng điểm trong vùng. Trong đó có dự án xây dựng các cầu bắc qua sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nhằm kết nối trục động lực TP.HCM – Long An – Tiền Giang với tổng mức đầu tư gần 4.800 tỷ đồng...
Dự án xây dựng ba cầu bắc qua các sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có tổng mức đầu tư dự kiến 4.798 tỷ đồng; trong đó vốn vay ODA 174 triệu USD tương đương hơn 4.000 tỷ đồng, vốn đối ứng 737 tỷ đồng.
Theo Sở Giao thông vận tải Long An, 3 cây cầu này đều nằm trên đường tỉnh 827E, tức quốc lộ 50B đang thi công, nhằm kết nối trục động lực TP.HCM - Long An - Tiền Giang.
Cụ thể: Sông Cần Giuộc được xây dựng hai cầu song song, mỗi cầu có tổng chiều dài 2,7 km, chiều rộng mặt cầu 14 m. Hai cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây có tổng chiều dài bao gồm đường dẫn mỗi cầu trên 6 km. Ở giai đoạn 1, sông Cần Giuộc xây một cầu với chiều rộng mặt cầu trên 13 m.
Sở Giao thông vận tải Long An cũng cho biết, hiện nay tỉnh Long An đang hoàn tất hồ sơ gửi các bộ, ngành trung ương để trình Chính phủ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư. Theo kế hoạch, cuối năm 2024 dự án được triển khai thực hiện.
Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, các dự án này sẽ đóng vai trò kết nối các cung đường (quốc lộ 50, quốc lộ 50B, quốc lộ 1), hình thành tuyến giao thông động lực xuyên suốt từ TP.HCM đến Tiền Giang, kết nới TP.HCM đi các tỉnh. Thành vùng đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại.
Tháng 12/2021, tỉnh Long An cũng đã khởi công xây dựng cây cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây thuộc tuyến vành đai thành phố Tân An với tổng mức đâu tư 576 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành cuối tháng 6/2023.
Ngoài dự án xây dựng 3 cầu qua sông nói trên, nghị quyết của Chính phủ cũng bao gồm các dự án khác trong vùng. Đó là: Dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối các tỉnh Tiền Giang - Long An - Bến Tre giai đoạn 1, vay vốn ADB, tổng mức đầu tư 5.591 tỷ đồng; dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối các tỉnh Bến Tre - Tiền Giang - Trà Vinh, vay vốn KEXIM, tổng mức đầu tư là 7.905 tỷ đồng; dự án tuyến đường hành lang ven biển tại Trà Vinh, vay vốn ADB, tổng mức đầu tư 9.187 tỷ đồng; dự án hoàn thiện đê bao sông Mang Thít giai đoạn 2 - kè sông Hậu, vay vốn AFD, tổng mức đầu tư dự kiến 4.153 tỷ đồng; dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu gồm nâng cấp, mở rộng quốc lộ 61C đoạn qua Cần Thơ - Kiên Giang, vay vốn JICA, tổng mức đầu tư dự kiến là 6.433 tỷ đồng…
Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương vay ODA từ 6 đối tác phát triển lớn nhất (đã có cam kết) với mức vốn 2,53 tỷ USD cho 16 dự án phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng đồng bằng sông Cửu Long để triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng ý cấp phát 90% vốn cho các dự án này.
Dự án xây dựng ba cầu trên tuyến quốc lộ 50B nói trên cũng được đánh giá sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, thu hút vốn đầu tư nhằm phát triển kinh tế xã hội địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển tỉnh Long An và các địa phương lân cận.
Dự án đầu tư xây dựng mới tuyến quốc lộ 50B (tỉnh lộ 827E cũ) có tổng chiều dài 55 km, rộng 78 m, có điểm đầu tại đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh, TP.HCM) và điểm cuối tại ngã ba Trung Lương (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Đây là dự án xây dựng mới, có tổng vốn đầu tư khoảng 18.673 tỷ đồng.
Dự án xây mới quốc lộ 50B được khởi công vào cuối tháng 3/2022. Trên tuyến quốc lộ 50B này có 3 cầu bắc qua các sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nói trên, với tổng mức đầu tư dự kiến khi đó là 3.600 tỷ đồng.
Vào thời điểm dự án quốc lộ 50B khởi công, dự án xây 3 cầu này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến danh mục dự án sử dụng nguồn vốn của khoản hỗ trợ ngân sách trung ương trong mục tiêu phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, dự kiến vốn ODA do ngân sách trung ương cấp phát hơn 2.730 tỷ đồng, chiếm 90% giá trị xây lắp; địa phương vay hơn 303 tỷ đồng, bằng 10% giá trị xây lắp.