Gần 500 em đỗ thành trượt, trượt thành đỗ, tắc trách thế sao nói được học sinh?
Thí sinh trượt oan đã khổ, 'đỗ oan' còn tổn thương nhiều hơn, và quan trọng là sự bừa bãi, tắc trách của người làm giáo dục ảnh hưởng rất xấu đến việc trồng người.
Đứng từ góc độ của phụ huynh và học sinh, vụ gần 2.800 bài thi vào lớp 10 bị sai điểm ở Thái Bình (trong đó 237 thí sinh từ trượt thành đỗ, 258 thí sinh từ đỗ thành trượt) là chuyện kinh thiên động địa, vì nó ảnh hưởng đến kế hoạch học tập, tâm lý của học sinh và gia đình. Đáng lo hơn là sai sót nghiêm trọng này có thể ảnh hưởng đến niềm tin của con trẻ đối với nền giáo dục, với người làm giáo dục, ít nhất là về tính nghiêm túc, trách nhiệm, phẩm chất nhất thiết phải có khi tham gia sự nghiệp trồng người.
Mấy trăm em học sinh có bài thi đủ tốt để đỗ nhưng nhận kết quả trượt đã chịu nhiều lo lắng, bất an và cả bất bình suốt thời gian chờ xác minh lại. Chắc rằng nhiều em và phụ huynh đều có những ngày mất ăn mất ngủ, thậm chí khóc hết nước mắt. May là cuối cùng kết quả thật đã về, những gia đình có học sinh từ trượt thành đỗ cũng có thể thở phào.
Khổ nhất là những học sinh tưởng mình trúng tuyển nhưng hóa ra không phải. "Hơn 200 học sinh đỗ thành trượt là sự thật, trở về với năng lực thật. Năng lực đến đâu thì học ở trường tiêu chuẩn đến đó", vị lãnh đạo tỉnh Thái Bình nói rất đúng trong buổi họp báo về sự việc. Học lực thế nào thì phải nhận kết quả thế ấy, nhưng các em không có lỗi khi kết quả sai lệch được báo về, không đáng phải chịu sự tổn thương khi đang ở đỉnh cao của niềm vui trúng tuyển bỗng bị ném xuống vực sâu của thất vọng và xấu hổ.
Học sinh có học lực không tốt luôn là những em phải lo lắng, hồi hộp nhất khi chờ kết quả thi, do đó khi nhận tin mình thi đỗ thì niềm vui sẽ lớn hơn những em học giỏi nhiều lần. Nhiều em hẳn đã tự hào vì tưởng nỗ lực của bản thân đã có kết quả, đã vui sướng khoe với bạn bè, người thân, đăng tải tin vui và nhận lời chúc mừng rầm rộ trên mạng xã hội, thậm chí có những gia đình đã mở tiệc ăn mừng.
Thế rồi đùng một cái, tất cả bay biến. Nỗi thất vọng, hụt hẫng này đối với những thiếu niên 15 -16 tuổi lớn vô cùng. Đó là lứa tuổi mà cái tôi, lòng tự trọng, sĩ diện đều rất cao, nên nỗi đau khổ khi cảm thấy bị mất mặt với nhiều em có thể là khủng khiếp. Các em rất sợ phải đối mặt với những ánh mắt chế nhạo, cười cợt, dù thực tế có thể mọi người đều cảm thông.
Đó là chưa kể kế hoạch học tập của các em bị đảo lộn khi từ đỗ thành trượt. Phía trước lại là những ngày mệt mỏi, căng thẳng cho đến lúc câu hỏi “học ở đâu” có đáp án rõ ràng.
Đương nhiên, kết quả sai thì phải sửa, các em phải vượt qua tổn thương như một trở ngại đầu đời. Về phía những người lớn tắc trách gây ra sự cố này, hậu quả họ gây ra không chỉ nằm ở gần 500 thí sinh kể trên, mà quan trọng hơn là ảnh hưởng của nó đối với cách nhìn của hàng triệu học sinh khác về nền thi cử, về người lớn.
Trong mắt con trẻ, thầy cô và những người làm giáo dục là sự chuẩn mực để lớp trẻ noi theo. Các em học từ họ không chỉ kiến thức mà còn về tác phong, đạo đức, hành xử, nói tóm lại là cách làm người. Tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc, tính cẩn trọng và tính khoa học trong công việc là những bài học đạo đức mà các em được tiếp nhận trong những năm ngồi trên ghế nhà trường.
Tuy nhiên, sự cố gần 2.800 bài thi bị sai điểm ở Thái Bình vừa rồi đã đi ngược niềm tin ấy, nó cho thấy sự tắc trách, hời hợt, qua loa, bừa bãi của một số người làm công tác giáo dục, vậy làm sao có thể thuyết phục học sinh trong các bài học dành cho trẻ?
Những người phải chịu trách nhiệm cho sai lầm nghiêm trọng này chắc chắn sẽ bị xử lý xứng đáng thôi; nhưng điều mà người có con cái đang ở tuổi đi học mong đợi nhất là đừng bao giờ có sự việc tương tự xảy ra nữa.