Gần 600 loại sữa bột giả tung ra thị trường, ai chịu trách nhiệm?

Bất chấp sức khỏe và tính mạng của con người, tội phạm sản xuất hàng thực phẩm giả, kém chất lượng vẫn đang hoành hành. Đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn vừa bị Công an triệt phá là một điển hình. Dư luận đòi hỏi phải xử lý nghiêm, diệt tận gốc loại tội phạm không chỉ là lừa đảo mà là tội ác này. Đồng thời, cần xử lý nghiêm những 'ngôi sao' vì tiền đã quảng cáo sai sự thật.

Rúng động dư luận

Bộ Công an vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn tại Hà Nội và các tỉnh. Thông tin này làm người tiêu dùng bị sốc, bởi số lượng sữa giả tiêu thụ là rất lớn, từ hơn 4 năm qua ngang nhiên hoạt động, bán ra thị trường 600 loại sữa bột giả, với doanh thu gần 500 tỷ đồng. Nguy hiểm và rất nguy hiểm khi họ sản xuất cả các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.

Bước đầu cơ quan Công an xác định, từ tháng 8/2021 đến nay, Công ty CP dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP dược dinh dưỡng Hacofood Group đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Chưa có đánh giá chính xác về tác hại của những loại sữa giả này, nhưng chắc chắn gây tổn hại sức khỏe về lâu dài với người tiêu dùng khi các thành phần công bố trên sản phẩm như: chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó..., thực tế sản phẩm hoàn toàn không có những chất này. Họ đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung một số chất phụ gia.

Một số sản phẩm sữa giả, "sữa cỏ” kém chất lượng bị thu giữ

Một số sản phẩm sữa giả, "sữa cỏ” kém chất lượng bị thu giữ

Người tiêu dùng hoang mang, sốc và rất muốn các cơ quan chức năng công bố cụ thể về chất lượng những loại sữa giả này, tác hại của nó và điều quan trọng là làm sao ngăn chặn được những hành vi phạm tội tương tự, gây tác động rất lớn đối với người tiêu dùng. Kiểm tra cả quy trình sản xuất, đóng gói có bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm hay không, vì sữa là sản phẩm rất dễ bị nhiễm các vi khuẩn và nấm mốc rất nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các nghi phạm, lực lượng chức năng thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột khác nhau với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất và nhiều tài liệu, đồ vật phục vụ công tác điều tra. Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, 2 Công ty Rance Pharma và Hacofood còn để ngoài sổ sách kế toán kê khai nộp thuế doanh thu thực tế, gây thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 28 tỷ đồng.

Điều đáng nói, các sản phẩm sữa giả này được sản xuất công khai, mở nhà máy sản xuất sữa giả ngay tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội). Cơ quan điều tra xác định, trong vụ án này, Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà là chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp đứng ra liên kết, góp vốn, huy động cổ đông sáng lập hệ sinh thái với 9 công ty và cũng là cổ đông góp vốn chính tại Công ty Hacofood và Rance Pharma.

Tội ác không thể dung thứ

Thông tin đường dây sản xuất sữa giả này đã hoạt động hơn 4 năm qua, với doanh thu khủng, dư luận hết sức bất ngờ và đặt nhiều câu hỏi: Vì sao hành vi tội ác như vậy vẫn có thể diễn ra trong một thời gian dài? Các cơ quan chức năng liên quan đến kiểm định chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm sữa có liên quan trực tiếp đến bệnh nhân tiểu đường, người già, đặc biệt là trẻ em mà vẫn ngang nhiên hoạt động lâu đến vậy?

Thông tin này như một "quả bom sữa", không chỉ làm rúng động thị trường, gây sốc cho người tiêu dùng mà còn nhiều câu hỏi liên quan đến các cơ quan chức năng như kiểm định, an toàn thực phẩm, cấp phép, quản lý...

Thực ra sữa giả đã có từ lâu. Hãy nhìn thị trường với khoảng 2.000 nhãn hiệu sữa các loại (cho trẻ em và người lớn), sẽ thấy "ma trận" thị trường này thật giả lẫn lộn mà người tiêu dùng dù thông minh đến mấy cũng dễ bị mắc lừa xài đồ dỏm. Theo các chuyên gia, dù sản xuất sữa đã có những tiêu chuẩn rất khắt nhe, nhưng ít có nước nào mà người ta có thể dễ dàng cho ra đời một sản phẩm sữa như Việt Nam. Một doanh nghiệp chỉ cần có vài tỷ đồng, chẳng cần chứng minh một năng lực gì cũng có thể đăng ký và cho ra đời một nhãn hiệu sữa và thuê các "ngôi sao" quảng cáo "banh nốc" về sản phẩm đó.

Sữa giả các loại

Sữa giả các loại

Thị trường sữa có tên gọi những loại sữa như vậy là "sữa cỏ”, theo đúng như nghĩa đen của nó, với siêu lợi nhuận, lừa đảo người tiêu dùng bằng chính giả rẻ của nó. Thực tế, với cùng trọng lượng, giá "sữa cỏ” chỉ bằng 1/4 đến 1/3 giá sữa thật. Tất nhiên, họ cũng quảng cáo "sữa cỏ” rằng có chất lượng cao với đầy đủ các dưỡng chất như những sản phẩm của các hãng lớn có bề dày đầu tư nghiên cứu và phát triển... Đối tượng bị lừa nhiều nhất là người tiêu dùng có thu nhập thấp, đặc biệt ở nông thôn, kiến thức sản phẩm sữa dinh dưỡng còn hạn chế.

Có câu chuyện rất thật rằng một người đi du lịch Mỹ, mua giúp người quen nhiều loại sữa, hí hửng mang về cho bạn nhưng vài ngày sau người bạn đó gọi điện bảo, những loại sữa như vậy ở Việt Nam có giá rẻ hơn nhiều. Tẽn tò, nhưng cho đến bây giờ, người bạn đó có thể hiểu rằng đó là những loại "sữa cỏ” và giả!

Sự bùng nổ "sữa cỏ” tại thị trường Việt Nam làm đau đầu các nhà sản xuất sữa lớn trong nước. Còn nhớ, tháng 8/2024, cơ quan điều tra đã bắt Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sữa Hà Lan Nguyễn Trung Vương về tội sản xuất sữa giả với quy mô lớn. Tổng giám đốc lại là một dược sĩ, dám "nhái" nhãn hiệu Sữa Cô gái Hà Lan, vậy mà cơ quan chức năng cũng cấp giấy phép sản xuất. Vụ việc này khiến FrieslandCampina phải lên tiếng khẳng định rằng Công ty CP Sữa Hà Lan là một công ty Việt Nam hoàn toàn không liên quan đến Tập đoàn FrieslandCampina Việt Nam cũng như thương hiệu Sữa Cô gái Hà Lan.

Thậm chí có người dám làm sữa giả, bán online công khai với số lượng lớn trước khi bị bắt, cũng dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng, chỉ sau 2 tháng đã thu lợi bất chính 3 tỷ đồng. Đó là vụ án làm sữa giả do Vũ Thành Công (36 tuổi, ngụ Quận 12, TPHCM) cùng 7 người liên quan, bị Công an phát hiện và truy tố hồi tháng 01/2024.

Vũ Thành Công đã sản xuất số lượng sữa giả có quy mô lớn, ước tính trị giá tới 14,5 tỷ đồng. Lực lượng chức năng đã tạm giữ hơn 7.500 lon sữa bột thành phẩm các loại, 200 kiện hàng chứa khoảng 150.000 vỏ lon sữa các nhãn hiệu nổi tiếng.

Bức xúc với quảng cáo sai sự thật

Vụ án sữa giả đang được các cơ quan chức năng xử lý. Vụ việc đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người tiêu dùng, nhất là trên mạng xã hội. Người dân phản ứng vì cho rằng việc kinh doanh bất chấp này không chỉ tác động đến thị trường mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng, với người già, trẻ em, phụ nữ đang mang thai.

Chính người Việt, vì đồng tiền đã bất chấp lương tâm hại người Việt, đặc biệt người dân nghèo, có thu nhập thấp. Đối tượng thứ hai được người dân chỉ tên là các "ngôi sao" quảng cáo sữa dỏm, là đối tượng tiếp tay lớn nhất cho những người sản xuất sữa giả.

Vụ án sản xuất, quảng cáo sai về kẹo Kera vẫn còn nóng hổi khi Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs bị khởi tố, còn hoa hậu Thùy Tiên bị tạm hoãn xuất cảnh để điều tra. Vụ án này cũng là lời cảnh tỉnh về trách nhiệm pháp lý và đạo đức của người nổi tiếng, KOLs (những người có ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội) khi tham gia quảng cáo trong thời đại truyền thông số.

Đây chỉ là một vụ việc mà người nổi tiếng tham gia quảng cáo sản phẩm dỏm, thậm chí độc hại. Thời gian qua, rất nhiều "ngôi sao", thậm chí "ngôi sao lớn" quảng cáo sữa, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Trên mạng xã hội, một bác sĩ nổi tiếng vừa lên tiếng phê phán rất gay gắt và thẳng thắn chuyện một số "ngôi sao" quảng cáo láo, kể cả một "ngôi sao" mà mạng xã hội cho là "đứng đắn".

Nhiều "ngôi sao" quảng cáo cho một số sữa và thực phẩm chức năng, với những cam kết rất phản khoa học, vậy mà họ vẫn làm. Khi dư luận phản ứng, "ngôi sao" này cam kết, thanh minh... rồi lại tiếp tục quảng cáo. Họ - những người được xem là "ngôi sao" kiếm tiền bất chấp danh dự, sĩ diện, sức khỏe của người khác. Họ đánh mất danh tiếng (nếu có) của mình chẳng qua cũng vì tiền.

Một vấn đề khác, đề nghị các cơ quan chức năng thu hồi cho hết các loại sữa giả đang có mặt trên thị trường. Và người tiêu dùng nên có người đại diện kiện bọn tội phạm là sữa giả ra tòa. Cần xử lý thật nghiêm loại tội phạm này, bởi tội ác họ gây ra là quá lớn, để lại hậu quả lâu dài chưa thể hình dung được.

Trong năm 2024, Bộ Y tế đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; xử lý 9.043 cơ sở (chiếm 40,9% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền 6.658 cơ sở với số tiền phạt hơn 33,53 tỷ đồng.

Bộ Công an phát hiện, xử lý 8.959 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (tăng 1.854 vụ so với năm 2023) với 8.978 đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (tăng 1.917 so với năm 2023), trong đó 8.490 cá nhân và 488 tổ chức. Khởi tố 62 vụ, 97 bị can (tăng 29 vụ, 63 bị can so với năm 2023). Về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm có 43 vụ; tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm 9 vụ; các tội khác liên quan đến thực phẩm 10 vụ. Xử phạt vi phạm hành chính 8.374 vụ (tăng 3.864 vụ so với năm 2023) với 7.949 cá nhân, 517 tổ chức; tổng tiền phạt vi phạm hành chính hơn 36,1 tỷ đồng (tăng hơn 5 tỷ đồng so với năm 2023).

XUÂN NHÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/gan-600-loai-sua-bot-gia-tung-ra-thi-truong-ai-chiu-trach-nhiem_176650.html