Gần 93% doanh nghiệp Đức sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam

Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam tin tưởng vào triển vọng kinh doanh và kỳ vọng tích cực vào tăng trưởng kinh tế nhiều hơn so với thời điểm mùa thu năm 2021, với gần 93% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.

Đây là kết quả khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (AHK World Business Outlook 2022), được Phòng Thương mại và công nghiệp Đức (AHK) tại Việt Nam công bố ngày 8/6 tại Hà Nội.

Đại diện AHK Việt Nam công bố kết quả khảo sát. Ảnh: LV

96% doanh nghiệp có đánh giá lạc quan về hình hình kinh doanh tại Việt Nam

Chia sẻ tại buổi họp báo công bố khảo sát, bà Đào Thu Trang - Trưởng bộ phận Tư vấn chiến lược phát triển thị trường AHK Việt Nam, cho biết việc mở cửa biên giới, cùng với các chính sách quyết liệt và kịp thời của Chính phủ Việt Nam trong phòng chống dịch đã tạo động lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch. Doanh nghiệp Đức lạc quan hơn về triển vọng phát triển kinh tế trong 12 tháng tới so với thời điểm mùa thu năm 2021.

Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Đức trong hiện tại so với kết quả khảo sát trong mùa thu 2021, có tới hơn 96% cho rằng tình hình kinh doanh tốt lên, hoặc không thay đổi, chỉ có 3,6% doanh nghiệp cho biết tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị giảm đi trong thời gian qua so với thời điểm khảo sát mùa thu 2021.

Trong khi đó, khi được hỏi về đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong 12 tháng tới, có tới gần 93% doanh nghiệp Đức tại Việt Nam trả lời khảo sát đánh giá tích cực. Cụ thể, 64,3% doanh nghiệp đánh giá kinh doanh sẽ tốt lên trong 12 tháng tới, 28,6% đánh giá sẽ không thay đổi và chỉ có 7,1% cho rằng sẽ bị giảm đi.

Tin tưởng vào triển vọng kinh doanh, các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam cũng bày tỏ kỳ vọng tích cực vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 nhiều hơn so với thời điểm mùa thu năm 2021. Theo đó, có tới 53,6% doanh nghiệp được hỏi cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tốt lên. So với con số 31,2% doanh nghiệp Đức kỳ vọng vào sự phát triển kinh tế của khu vực ASEAN, thì đây là đánh giá khá lạc quan, tích cực của các doanh nghiệp Đức đối với thị trường Việt Nam.

Vì vậy, có tới gần 93% doanh nghiệp Đức cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Với kết quả này, 46,4% doanh nghiệp cho biết sẽ tăng tuyển dụng nhân lực tại Việt Nam và 50% cho biết sẽ giữ nguyên số lượng nhân sự hiện tại.

EVFTA làm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Đức tại Việt Nam

Ông Marko Walde - Trưởng đại diện AHK Việt Nam, cho biết hiện có khoảng 450 doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam, với khoảng 80 doanh nghiệp có nhà máy và cơ sở sản xuất lớn tại Việt Nam.

Ông Marko Walde cũng thông tin về “Chiến lược Trung Quốc +1”, mở rộng đầu tư ngoài Trung Quốc của các doanh nghiệp Đức, trong đó có 2 quốc gia trong khu vực được lựa chọn để thực hiện chiến lược này là Việt Nam và Thái Lan. Ông đánh giá, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp Đức.

Lý giải về nguyên nhân khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp Đức, ông Marko Walde cho biết, Việt Nam có vị trí rất thuận lợi so với các quốc gia trong khu vực. Tại đây các doanh nghiệp Đức có thể dễ dàng giao thương với khu vực ASEAN, cũng như xuất khẩu các mặt hàng đi thế giới. Thêm vào đó, Việt Nam có một lợi thế là 1 trong 2 nước duy nhất trong khu vực có FTA với EU (EVFTA), nên rất được các doanh nghiệp Đức quan tâm.

Theo AHK, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài nhờ tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hơn 73% doanh nghiệp Đức tin rằng, việc triển khai EVFTA làm tăng khả năng cạnh tranh của họ tại Việt Nam. Họ thường xuyên tận dụng FTA giữa ASEAN và Trung Quốc (ACFTA) và CPTPP.

Các doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát cũng bày tỏ rằng, các yếu tố quan trọng nhất đối với quyết định đầu tư và kinh doanh của họ ở Việt Nam là tình hình chính trị ổn định, có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật và các nhóm ngành khác, vận tải và logistics.

Còn khi triển khai hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, doanh nghiệp Đức đánh giá những yếu tố sau là quan trọng nhất: có nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật (58,3%), chất lượng giáo dục của các ngành kỹ thuật (58,3%) và hàng rào thương mại thuế quan (56,5%).

Cũng theo Trưởng đại diện AHK Việt Nam, với “Chiến lược Trung Quốc +1”, Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh với thị trường Thái Lan trong thu hút các doanh nghiệp Đức. Ông cho biết, Thái Lan có lợi thế hơn Việt Nam ở chỗ, quốc gia này có ngành công nghiệp phụ trợ trong nước tốt. Trong khi đó, các doanh nghiệp Đức sẽ ưu tiên quyết định đầu tư vào quốc gia phải có 50% đầu vào được cung ứng tại chỗ.

Vì vậy, ông Marko Walde nhấn mạnh, để thu hút đầu tư của Đức vào Việt Nam trong thời gian tới, Việt Nam cần nâng cao năng lực cung ứng đầu vào ở cấp độ quốc tế để tạo ra ngành công nghiệp phụ trợ cạnh tranh, nhất là cạnh tranh với Thái Lan.

Bên cạnh đó, cần chú trọng cải thiện dịch vụ cung ứng, logistics, chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng. Đó sẽ là những điều kiện tốt cho thu hút FDI của Đức trong tương lai.

Thông tin thêm về sự quan tâm của doanh nghiệp Đức với thị trường Việt Nam, bà Đào Thu Trang - Trưởng bộ phận Tư vấn chiến lược phát triển thị trường AHK Việt Nam, cho biết ngay trong tháng 2/2022, Tập đoàn Tesa của Đức đã khởi công xây dựng nhà máy mới tại Khu công nghiệp DEEP C (Hải Phòng), với mức đầu tư 55 triệu Euro và trong tháng 5/2022, Công ty Kuz đã khởi công xây dựng nhà máy mới tại Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 40 triệu USD.

Thảo Miên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/gan-93-doanh-nghiep-duc-se-tiep-tuc-dau-tu-vao-viet-nam-106598.html