Gắn chặt chuỗi liên kết

Những ngày gần đây, các vườn sầu riêng ở Đắk Lắk tấp nập cảnh người mua kẻ bán. Thương lái kéo đến các nhà vườn sầu riêng ở các xã Ea Kiết, Ea Tul, Ea Tar, Ea Kuêh... (huyện Cư M'gar) để đặt hàng.

Các chủ vườn cho biết, giá sầu riêng được thương lái trả tại vườn lên đến 85.000 - 90.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao so với giá mà nhiều chủ vườn được “chốt” khoảng 1 tháng trước đó. Theo chia sẻ của ông M. N., chủ một vườn sầu riêng ở xã Ea Kiết, cách đây chừng một tháng, vườn sầu riêng của ông đã có thương lái đến đặt cọc thu mua vụ mùa năm nay với giá 65.000 đồng/kg. “Họ đã đặt cọc 250 triệu đồng” và đang chờ đến lúc chúng tôi thu hoạch sẽ giao hàng” – ông M.N. nói. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số thương lái đến trả giá sầu riêng cao lên 2,3 giá khiến không chỉ ông M.N. mà rất nhiều chủ vườn sầu riêng ở huyện Cư M’gar băn khoăn. Ông M.N. cho biết, thương lái họ trả giá cao như vậy, nông dân ai chẳng muốn bán vì được lời lớn. Thế nhưng do đã giao kèo và đã được đặt cọc trước rồi nên ông N. không “chốt” hợp đồng với giá mới vì phải giữ uy tín để làm ăn lâu dài. Dù vậy ông N. cũng thừa nhận là khá tiếc nuối khi gần đây giá sầu riêng được trả cao như vậy.

Quả thực, làm ăn buôn bán ai mà không muốn có lãi to. Thế nhưng tình trạng giá sầu riêng nhảy múa những ngày qua ở Đắk Lắk được các chuyên gia cảnh báo, đây chỉ là một hiện tượng “cò” nên bà con nông dân cần tỉnh táo.

Cụ thể, theo phân tích của giới chuyên gia, mới vào đầu mùa mà thương lái đã đến trả giá cao như vậy thì cần phải thận trọng vì đây là kiểu trả giá của kiểu thương lái “non nghề”, không chuyên nghiệp. Nếu bà con nông dân thuận tai thấy giá hời lại nhận hợp đồng mới, bỏ hợp đồng cũ, nói nôm na là “bẻ kèo” sẽ gây ra nguy cơ nhiễu loạn thị trường. Khi doanh nghiệp đã ký hợp đồng đến mà nông dân lại hủy để “nhận kèo” giá cao hơn, đến khi thương lái “bỏ của chạy lấy người” thì sẽ dẫn đến hàng nghìn tấn sầu riêng bị ế, lúc đó thiệt thòi nhất chính là bà con nông dân.

Đó còn chưa kể, việc nông dân và doanh nghiệp đã liên kết, nhưng khi "cò" trả giá cao thì bẻ cọc dẫn đến nhiều hệ lụy. Ngoài việc bị neo vườn dẫn tới giá hạ khi chính vụ, mất an ninh trật tự, còn xảy ra tình trạng mất niềm tin, đứt gãy chuỗi liên kết. Các doanh nghiệp xuất khẩu có năng lực thực sự thì tính toán khả năng tiêu thụ của thị trường để chuẩn bị nguồn cung trong nước theo hợp đồng. Nếu bị phá vỡ giữa chừng, doanh nghiệp thì lỗ nặng, còn người trồng sầu riêng thì lãnh điệp khúc “được mùa rớt giá”...

Thiết nghĩ, để tránh tình trạng xung đột lợi ích về sau, người nông dân và hợp tác xã, doanh nghiệp xuất khẩu khi ký các hợp đồng thương mại cần kiểm tra, đánh giá kỹ lưỡng năng lực của doanh nghiệp, nắm rõ cơ sở đóng gói ở đâu, quy mô công suất như thế nào. Người dân, hợp tác xã cũng nên ưu tiên những doanh nghiệp đủ điều kiện đóng gói tại địa phương để có quyền lợi, nghĩa vụ cùng nhau, từ đó sẽ tạo sự liên kết chặt chẽ, bền vững trong chuỗi liên kết.

An Bình

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/gan-chat-chuoi-lien-ket-5725720.html