Gắn chính sách công nghiệp hỗ trợ với khả năng hấp thụ của doanh nghiệp
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu để rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách cho ngành công nghiệp hỗ trợ, để những cơ chế, chính sách ban hành ra phải đi vào cuộc sống, để doanh nghiệp có thể hấp thụ được và thông qua đó lớn mạnh hơn, gia tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Nhận thức rõ vai trò của công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành nhiều quy định và triển khai thực hiện các giải pháp và đã đạt được những kết quả tích cực.
Lĩnh vực chế biến, chế tạo, trong đó có công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí, đã khẳng định được vai trò “đầu tàu” cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp. Tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao trong nhiều ngành, như dệt may, da giày đạt tới 50%, cơ khí đạt tới hơn 30%. Công nghiệp hỗ trợ từng bước nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia tham gia vào lợi ích sản xuất, cung ứng toàn cầu. Sự phát triển của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đã góp phần thu hút được các tập đoàn lớn của thế giới, mở rộng nhà máy và hình thành các trung tâm R&D ở Việt Nam.
Về công nghiệp cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, có trên 90% số máy trong nông nghiệp, nhất là máy xay xát lúa và đánh bóng gạo, máy sấy do các doanh nghiệp trong nước sản xuất và cung ứng, đồng thời đã xuất khẩu đi rất nhiều thị trường khu vực ASEAN, châu Mỹ và châu Phi.
Ngoài ra, còn nhiều dây chuyền thiết bị trong việc chế biến các sản phẩm cây có hạt cũng có thương hiệu và một số sản phẩm đang được cung ứng cho các nhà máy cơ khí, nhất là sản xuất ô tô, như Vinfast, THACO,…
Tuy nhiên, Bộ Công Thương thẳng thắn nhìn nhận, việc triển khai các chính sách ưu đãi đối với ngành công nghiệp hỗ trợ cẫn còn nhiều hạn chế.
Thứ nhất, nguồn lực đầu tư của nhà nước, từ Trung ương đến địa phương vừa ít, vừa khó tiếp cận, lại bị chồng chéo lên nhau. Một số điều kiện để hưởng ưu đãi trong quy định khá ngặt nghèo, chưa thực sự phù hợp, khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận, khó đáp ứng được yêu cầu để hưởng chính sách ưu đãi.
Thứ hai, chính sách thu hút FDI của ta chưa ràng buộc, cũng chưa khuyến khích được các doanh nghiệp FDI tăng tính lan tỏa cho các doanh nghiệp ở trong nước.
Thứ ba, các doanh nghiệp Việt chưa quan tâm, chưa chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Để đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí, doanh nghiệp cần rất nhiều tiền và cũng cần phải có trình độ công nghệ, kinh nghiệm nhất định thì mới dám bước vào một sân chơi mà có thể nói là các quốc gia khác, nhất là những quốc gia phát triển đã đi trước chúng ta rất xa.
Thứ tư, việc phổ biến, tuyên truyền các chính sách ưu đãi với cộng đồng doanh nghiệp còn hạn chế, chưa được thực hiện thường xuyên, phạm vi chưa rộng. Việc phối hợp thực hiện chính sách giữa Trung ương, địa phương chưa đạt hiệu quả. Ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí khó thu hút đầu tư, bởi tỷ suất lợi nhuận thấp, rào cản để gia nhập thị trường khó khăn.
Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI đến Việt Nam luôn mong muốn hợp tác với những nhà cung cấp có kinh nghiệm, đạt được những tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, về môi trường, về phát triển bền vững; mặt khác cũng có năng lực cung cấp những sản phẩm với giá cả ở mức cạnh tranh.
Trong khi đó, “sức khỏe” của doanh nghiệp nội địa còn yếu, mặc dù có cơ chế nhưng lại chưa tiếp cận được. Đây rõ ràng là một thách thức mà ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước cần phải giải quyết.
Để giành lại thị phần cho doanh nghiệp trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, điều quan trọng là phải rà soát lại hệ thống pháp luật, để làm sao những cơ chế, chính sách ban hành ra phải đi vào cuộc sống, để doanh nghiệp có thể hấp thụ được và thông qua đó mà lớn lên.
Bên cạnh đó, các địa phương cần dành những điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có được mặt bằng, có được hạ tầng, có được sự giúp đỡ về nguồn vốn hoặc đào tạo nguồn nhân lực,… để nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng cơ hội cạnh tranh trong chuỗi cung ứng.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu để hoàn thiện đồng bộ về chính sách, trong đó có nghiên cứu xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, bao gồm các ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo, chế biến, điện tử, hóa chất và năng lượng. Đây là những ngành công nghiệp nền tảng của Việt Nam, cũng là động lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đồng thời, tăng cường phân bổ nguồn lực cả Trung ương, địa phương để tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên tuyền chính sách trên phạm vi rộng và tăng cường chương trình hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp Việt Nam, chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng hỗ trợ các doanh nghiệp và đặc biệt là phát huy hiệu quả của các trường Đại học, Cao đẳng thuộc ngành Công Thương và một số trường nghề trong ngành lao động cũng như ngành giáo dục.
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra vào đầu tháng 6/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ có liên quan nghiên cứu xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026-2035. Trong đó, tập trung phát triển các ngành điện tử thông minh, ôtô, cơ khí và tự động hóa công nghệ cao dệt may, da giày. Hoàn thiện chính sách thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn. Cùng với đó, có giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và triển khai chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí trong nước.
Bài: Thy Thảo
Ảnh: Ngọc Châm
Thiết kế: Duy Kiên