'Gạn đục khơi trong' để phát triển văn hóa

Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần 'gạn đục khơi trong'.

Cuối tháng 2 vừa qua, một ngôi làng Jrai ở xã biên giới của huyện Ia Grai tổ chức lễ cúng nhà rông để phạt những “tội đồ” của làng. Đó là 6 cặp vợ chồng trẻ lỡ “ăn cơm trước kẻng”, trong đó có cả trường hợp tảo hôn.

Theo lệ làng, các gia đình phải góp tiền mua 1 con trâu cúng nhà rông, sau đó để đãi dân làng. Đây là tục lệ truyền đời ở ngôi làng Jrai nơi biên giới này. Nhưng những năm gần đây, có những người không còn đồng tình với lệ làng vì cho rằng tục lệ này không còn phù hợp với lối sống của thế hệ trẻ và hình phạt cũng không có ý nghĩa răn đe mà trở thành gánh nặng về tài chính. Trong số cặp vợ chồng trẻ bị phạt, có trường hợp hoàn cảnh rất khó khăn phải đi vay tiền để góp mua trâu.

Có năm, làng chỉ xảy ra 1 trường hợp “ăn cơm trước kẻng”, gánh nặng mua trâu cúng nhà rông họ phải gánh hết.

Người bạn kể cho tôi câu chuyện này đề nghị không nêu danh tính sợ “bị đuổi ra khỏi làng vì người Jrai luôn phải gắn mình với cộng đồng. Nếu ý chí của hội đồng già làng đã quyết như vậy thì không ai dám làm khác”-anh nói.

 Tái hiện các nghi thức trong lễ cưới truyền thống của người Jrai. Ảnh: M.C

Tái hiện các nghi thức trong lễ cưới truyền thống của người Jrai. Ảnh: M.C

Câu chuyện trên cũng cho thấy rất nhiều mặt trong đời sống văn hóa của người Jrai nói riêng và người Tây Nguyên nói chung. Trong quá trình phát triển luôn có sự đấu tranh, giằng xé giữa cái cũ và mới, giữa phong tục và tập tục lỗi thời trong đời sống làng xã, giữa thế hệ trẻ và những người già “cầm cân nảy mực” để duy trì trật tự, nền nếp của làng.

Nhà báo Ngọc Tấn-nguyên P.V Báo Nông thôn ngày nay thường trú tại Gia Lai-kể: Trước đây, ông về làng vẫn chứng kiến bao chuyện lạ từ luật tục, những số phận bi thương của con người khi bị cộng đồng ruồng bỏ chỉ vì nghi “ma lai”, “thuốc thư”. Những hiện tượng đó đến nay đã gần như được đẩy lùi.

Hay có những chuyện lạ như ở vùng đất Kon Pne (huyện Kbang), hễ khi trời đất nổi cơn giông, người Bahnar ở đây cho rằng báo hiệu đưa hồn người chết về bên kia thế giới, tất cả mọi người sống đều kiêng không làm gì cả. Ông đã về làng vào một ngày như vậy và không gặp được ai để hỏi thông tin, ngay cả Bí thư Đảng ủy xã cũng từ chối vì kiêng không làm việc.

Hay ngôi làng Đê Kjiêng ở nơi đầu nguồn sông Ayun (xã Ayun, huyện Mang Yang) từng tồn tại nhiều lễ cúng. Già làng Hyek kể: Trước đây, người dân hễ nghe tiếng sấm sét, đi rẫy gặp chuyện xui, nhà cháy, thậm chí gặp chuyện khó hiểu hay thấy một hiện tượng bất thường… đều giết heo, gà để cúng. Người dân ngày càng nghèo đi cũng chỉ vì duy trì quá nhiều lễ cúng. Thế nhưng đến nay, những tục lệ cản trở sự phát triển kinh tế ấy đã được xóa bỏ.

Có những luật tục được xóa bỏ để phát triển nhưng ngược lại, cũng có những luật tục bị sự phát triển làm cho méo mó, chẳng hạn như tục thách cưới ở Krông Pa. Đây nguyên thủy là nét đẹp văn hóa, song có thời kỳ bị biến tướng trở thành gánh nặng với nhiều gia đình.

Theo tập tục của người Jrai, người con gái khi cưới chồng phải trả đủ sính lễ do nhà trai đưa ra nhưng khi đời sống phát triển, sính lễ bị thách cao quá khả năng. Do vậy, nhiều cô gái nghèo đành chọn cách cưới trước, trả nợ sính lễ sau. Có những món nợ cưới trả cả đời không hết, nhiều người rơi vào tình cảnh cùng quẫn. Thậm chí, có người cuối đời mới trả xong món nợ cưới cũng là lúc về với cõi Atâu. Dẫu vậy, khi được hỏi có muốn xóa bỏ tục thách cưới, nhiều người vẫn cho rằng đó là nét đẹp riêng trong văn hóa Jrai cần được gìn giữ.

Bao đời nay, người Tây Nguyên vẫn sống song hành cùng những tập tục, làm nên nét đẹp và sự quyến rũ riêng trong văn hóa các tộc người. Trên hành trình phát triển, những thứ không phù hợp đã dần được “gạn đục khơi trong” nhưng vẫn còn đó những đấu tranh nội tại trong các cộng đồng làng, bởi ranh giới giữa tập tục và hủ tục đôi khi rất mong manh.

Trong một cuộc trò chuyện cùng P.V Báo Gia Lai, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn-Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Thực tế có những yếu tố văn hóa trước kia bị coi là mê tín dị đoan giờ lại được xem là giá trị đặc sắc, thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc. Nói như thế để chúng ta thấy rằng, xem xét các hiện tượng văn hóa cần có cách nhìn biện chứng, vừa khách quan nhưng cũng cần có cả cách tiếp cận của người trong cuộc”.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: “Gạn đục khơi trong” trong phát triển văn hóa cần sự phối hợp, tham gia chủ động của chủ thể các loại hình sinh hoạt văn hóa đó, để họ có tiếng nói trong việc lựa chọn những nét đẹp và giá trị văn hóa của chính họ. Mọi sự can thiệp từ phía Nhà nước nên giới hạn bằng việc cung cấp những hiểu biết đúng đắn, đầy đủ nhất để người dân chủ động lựa chọn.

“Làm được như thế, chúng ta không những bài trừ được những tập tục không phù hợp mà còn tạo điều kiện để các sinh hoạt văn hóa tốt đẹp tiếp tục được thực hành, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng các dân tộc Việt Nam cũng như kinh tế-xã hội đất nước”-ông Sơn nói.

MINH CHÂU

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gan-duc-khoi-trong-de-phat-trien-van-hoa-post316478.html