Gạn đục, khơi trong xây đời sống mới
Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và đời sống như ánh bình minh chan hòa khắp miền cực Bắc, xua tan đêm trường hủ tục. Bình minh lên, mặt trời ló rạng, khí thế hân hoan xây dựng đời sống mới văn minh, ấm no, hạnh phúc cũng như nhựa sống căng tràn của mùa Xuân đang phủ khắp bản làng từ vùng thấp đến vùng cao, từ nội địa đến miền biên giới xa xôi.
Hà Giang là mảnh đất biên cương địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, có 19 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 87,7% dân số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc sở hữu nét văn hóa riêng, quyện hòa, tạo nên một Hà Giang đa sắc màu, giàu bản sắc. Tuy nhiên, bên cạnh những phong tục, tập quán tốt đẹp đan xen không ít hủ tục, như: Tổ chức đám tang quá 48 giờ, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, nghi lễ rườm rà, không đưa người chết vào áo quan; đám cưới tổ chức linh đình, thách cưới cao, thậm chí tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; một bộ phận người dân chăn nuôi gia súc dưới gầm nhà sàn, cạnh nơi ở… Thực tiễn này làm nảy sinh nhiều hệ lụy, không chỉ khiến đói nghèo vây bủa, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, suy giảm chất lượng giống nòi mà còn là “rào cản” kìm hãm sự phát triển văn minh của xã hội.
Trước thực tế trên, ngày 1/5/2022, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết 27 thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 27). Mục tiêu đến năm 2025, trên 75% gia đình nhận thức được tác hại, hệ lụy của hủ tục và tích cực tham gia bài trừ hủ tục trong gia đình, dòng họ. Đến năm 2030, các địa phương cơ bản xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, hướng đến giảm nghèo bền vững.
Để “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong thực hiện Nghị quyết 27, các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo nên phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ ở cơ sở. Nhiều địa phương không chỉ phát động các đợt cao điểm tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 27 mà còn ra mắt câu lạc bộ, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo. Tiêu biểu như: 19/19 xã, thị trấn của huyện Đồng Văn vận động tang chủ đưa thi thể người chết vào áo quan trước khi làm tang lễ; huyện Mèo Vạc vận động Nhân dân theo tà đạo quay trở về phong tục truyền thống hay huyện Bắc Quang với mô hình xây dựng nếp sống văn minh trong lễ Cấp sắc của dân tộc Dao…
Dưới ánh sáng soi đường của Đảng cùng sự đồng thuận cao trong Nhân dân, nếp sống văn minh đang từng ngày hiện hữu trên khắp bản làng. Trong 9 tháng của năm 2024, toàn tỉnh có 3.924 cặp đăng ký kết hôn. Đám cưới cơ bản được tổ chức theo nếp sống văn minh, trang trọng, tiết kiệm; các nghi lễ được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, phù hợp với văn hóa truyền thống của từng dân tộc; không thách cưới cao; các nghi lễ có tính phong tục, tập quán rườm rà được đơn giản hóa, không nặng về lễ vật. Đặc biệt, các cấp, ngành kịp thời vận động 101 cặp chưa đủ tuổi kết hôn hoãn hôn thành công. Riêng việc tổ chức lễ tang có nhiều chuyển biến tích cực, một số nghi thức rườm rà được cắt giảm, cải tiến. Tại thành phố Hà Giang và một số huyện vùng thấp cơ bản không còn tình trạng đi viếng đám hiếu bằng vòng hoa, bức trướng, giảm tối đa tình trạng rải vàng mã, tiền Việt Nam đồng khi đưa tang. Điều này vừa tránh lãng phí, vừa giảm ô nhiễm môi trường. Nhiều dòng họ trong đồng bào Mông đã cải tiến đám tang, đưa người chết vào áo quan, tổ chức tang lễ dưới 48 giờ và chỉ giết mổ 1 – 2 con gia súc thay vì hàng chục con như trước đây.
Nhiều lễ hội trong đồng bào dân tộc thiểu số như: Gầu tào, Lồng tồng, khèn Mông, lễ Cúng rừng, Bàn Vương… được tổ chức trang trọng, đúng quy định, nghi thức dân gian truyền thống. Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được phục dựng thu hút người dân và du khách tham gia như: Bắn nỏ, đánh yến, ném còn, đi cà kheo, ẩm thực...
Thực hiện Nghị quyết 27 gắn với bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh đã trở thành cuộc “cách mạng” gạn đục, khơi trong làm chan hòa ánh sáng văn minh. Hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu từng bước được xóa bỏ đồng nghĩa với “rào cản” được tháo gỡ, mở đường thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng con người mới, nếp sống mới, tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc trong Nhân dân các dân tộc Hà Giang.
Thu Phương