Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động

Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025 có sự tham gia của 50 doanh nghiệp tuyển dụng lao động với tổng số 2.955 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động...

Lễ ký kết hợp tác giáo dục nghề nghiệp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Hà Nội và doanh nghiệp. Ảnh: PV

Lễ ký kết hợp tác giáo dục nghề nghiệp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Hà Nội và doanh nghiệp. Ảnh: PV

Ngày 11/5, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025. Đây sự kiện thường niên của thành phố Hà Nội được tổ chức liên tục từ năm 2019 với quy mô và hiệu quả ngày càng tăng.

Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025 có sự tham gia của 50 doanh nghiệp tuyển dụng lao động với tổng số 2.955 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động; riêng tuyển dụng, xuất khẩu lao động là 2.755 chỉ tiêu. Trong tổng số 50 doanh nghiệp tham gia, có 36 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ, chiếm 72%.

Các nhóm lĩnh vực ngành, nghề tuyển dụng chủ yếu gồm: Công nghệ sản xuất linh kiện điện tử; công nghệ gia công cơ khí; kinh doanh, marketing; nấu ăn; bảo vệ, phục vụ; bán hành, thu ngân; nhân viên kỹ thuật; du học, xuất khẩu lao động; công nghệ ô tô; công nghệ thông tin; kế toán, kiểm toán; quản lý; chăm sóc khách hàng; khác.

Ngoài ra, có 23 đơn vị tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm, mô hình thiết bị đào tạo tự làm; trình diễn kỹ năng nghề (pha chế đồ uống, làm bánh, chế biến món ăn, làm đẹp, chăm sóc da, sơn ô tô ....); trải nghiệm thực tế về ngành nghề; trưng bày các sản phẩm sách.

Khoảng 8.000 học sinh cuối cấp tham gia hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: PV

Khoảng 8.000 học sinh cuối cấp tham gia hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: PV

Ngày hội đã thu hút khoảng 10.000 người, trong đó có khoảng 8.000 học sinh cuối cấp tham gia hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và khoảng 2.000 học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động tham gia tư vấn, tuyển dụng tại Phiên giao dịch việc làm.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của thị trường lao động.

Hà Nội có dân số lớn và nền kinh tế năng động, việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động không chỉ là yêu cầu bức thiết mà còn là chiến lược lâu dài để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao năng suất lao động, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập.

Đặc biệt, thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ báo cáo với các cấp có thẩm quyền sớm đưa chương trình đào tạo công nghệ AI hay về chip bán dẫn, điện tử vào trong khối các trường nghề, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và nhu cầu tuyển dụng của xã hội. Vì vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ đặt hàng, bảo đảm nội dung đào tạo sát với thực tiễn.

Các doanh nghiệp cần tích cực tham gia vào quá trình đào tạo, tuyển dụng, tạo điều kiện để học sinh, sinh viên tiếp cận môi trường làm việc chuyên nghiệp. Học sinh, sinh viên cần chủ động tìm hiểu, trải nghiệm và lựa chọn nghề phù hợp, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh.

Tại Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tổ chức phiên giao dịch việc quận Nam Từ Liêm với các chỉ tiêu tuyển dụng đa dạng lĩnh vực, ngành nghề.

Nổi bật, hơn 18% chỉ tiêu có mức thu nhập cao, từ 15 triệu đồng/tháng trở lên, dành cho các vị trí tuyển dụng chất lượng cao, người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, khả năng chịu áp lực công việc cao; 26,4% chỉ tiêu có mức thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, thuộc về các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng - phó phòng…

Các vị trí việc làm ổn định như kế toán, nhân viên văn phòng, lao động phổ thông có tay nghề… được chi trả mức thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Còn các vị trí việc làm thời vụ - bán thời gian, hoặc sinh viên mới ra trường, người lao động phổ thông ở các vị trí công việc tập sự, đơn giản, chưa yêu cầu chuyên môn cao, mức chi trả phổ biến từ 5 -7 triệu đồng/tháng.

Nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng có uy tín đã tham gia phiên giao dịch việc quận Nam Từ Liêm như: Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Seen, Công ty Cổ phần Novo - Việt Tiệp, Công ty Cổ phần Takahiro… Các chỉ tiêu tuyển dụng đa dạng các ngành nghề như trưởng, phó các phòng ban; nhân viên kinh doanh, nhân viên kỹ thuật, công nhân gia công cơ khí, bán hàng, thu ngân, nhân viên chăm sóc khách hàng, công nghệ ô tô…

Các chỉ tiêu có chất lượng, cùng quyền lợi và mức thu nhập thỏa đáng tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp; học viên, sinh viên chuẩn bị ra trường, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động. Ngoài ra, phiên giao dịch việc làm còn mang đến 200 chỉ tiêu tuyển sinh các lĩnh vực: tiếng Trung, lập trình phần mềm và thiết kế vi mạch bán dẫn,...; 100 chỉ tiêu du học, xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan.

THÙY LÊ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/gan-ket-giao-duc-nghe-nghiep-voi-thi-truong-lao-dong-40214.html