Gắn kết sản phẩm du lịch golf

HNN - Du lịch golf đang thực sự trở thành động lực của du lịch chất lượng cao, thu hút các dòng khách sẵn sàng chi trả khi đi du lịch, trong đó có các thị trường khách quốc tế. Huế đã quan tâm phát triển loại hình này, song để đạt hiệu quả hơn vẫn còn nhiều việc phải làm.

 Khách chơi golf tại sân Golden Sands Golf Resort

Khách chơi golf tại sân Golden Sands Golf Resort

Chưa thu hút mạnh mẽ

Khoảng 10 năm trở lại đây, du lịch golf đã vươn lên khẳng định tiềm năng và góp phần đưa hình ảnh Việt Nam lên bản đồ golf toàn cầu. Đất nước hình chữ S được World Golf Awards vinh danh là “Điểm đến Golf hàng đầu châu Á” trong 6 năm liên tiếp (2017 - 2022), nhờ vào chất lượng sân golf đạt chuẩn quốc tế và cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp. Trong số những sân golf được nhiều golf thủ đánh giá cao, Huế hiện có sân golf Laguna Lăng Cô và mới đây là sân Golden Sands Golf Resort.

Tại hội thảo xúc tiến, quảng bá du lịch Huế ở thị trường Hàn Quốc (ngày 30/5), ông Lee Jin Seok, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Hàn Quốc cho rằng, bên cạnh những lợi thế cạnh tranh như văn hóa, di sản và nghệ thuật, Huế còn có các sân golf đẹp - điều này rất phù hợp với xu hướng du lịch của khách Hàn Quốc, vốn đặc biệt ưa chuộng loại hình du lịch golf. Đây là cơ hội tiềm năng để đưa dòng khách Hàn Quốc đến với Huế.

Dù nhận được những lời khen ngợi về các sân golf, song dấu ấn du lịch golf tại Huế vẫn chưa thực sự rõ nét. Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Huế chia sẻ, khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và một số quốc gia khác đang có nhu cầu cao đối với du lịch golf. Đặc biệt, Hàn Quốc là một trong những thị trường chiếm phần lớn lượng khách đến Việt Nam và họ sẵn sàng chi tiêu cao khi kết hợp du lịch với chơi golf. Tuy nhiên, hiện nay, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc và Lâm Đồng đang là những điểm đến thu hút khách du lịch golf tốt hơn, trong khi sức hút của Huế vẫn còn hạn chế.

Ông Thắng dẫn chứng, ngay tại sân golf mà Tập đoàn BRG đang vận hành, bình quân mỗi ngày ở Đà Nẵng có 500 vòng chơi, trong khi con số này ở Huế chỉ khoảng 51 vòng. Sân golf tại Đà Nẵng có tới 2/3 lượng khách là khách quốc tế.

Có nhiều nguyên nhân khiến sức hút du lịch golf ở Huế chưa thực sự lớn. Theo các chuyên gia, hiện Huế mới chỉ có 2 sân golf, chưa đủ để tạo hiệu ứng kích cầu rõ rệt. Thông thường, golf thủ thích chơi ở 2 - 3 sân golf trong một chuyến đi và có thể quay lại nhiều lần, nhưng việc di chuyển giữa các sân ở Huế vẫn còn những hạn chế. Trong khi đó, tại các địa phương lân cận như Đà Nẵng, điều kiện kết nối linh hoạt và thuận tiện hơn. “Chúng tôi đã kết nối doanh nghiệp lữ hành giữa Huế và Đà Nẵng, nhưng việc liên kết để đưa khách đi chơi golf vẫn còn nhiều rào cản. Đà Nẵng và Quảng Nam có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách, còn đưa khách ra Huế vẫn gặp khó, không chỉ ở vấn đề chi phí mà còn nhiều yếu tố khác. Cơ sở lưu trú tại Huế cũng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu đa dạng và cao cấp của du khách”, ông Thắng chia sẻ.

Ngoài sân golf, các sản phẩm du lịch bổ trợ vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của khách. Theo các chuyên gia, du lịch golf không đơn thuần chỉ là đánh golf. Nhiều khách có nhu cầu sáng chơi golf, trưa nghỉ ngơi, chiều tắm biển, tối tham gia các hoạt động về đêm… Với dòng khách cao cấp, các sản phẩm dịch vụ cũng phải ở đẳng cấp tương xứng - điều mà Huế hiện còn thiếu.

Liên kết, tạo sức hấp dẫn

Sau đại dịch COVID-19, tâm lý và hành vi tiêu dùng du lịch của du khách đã thay đổi rõ rệt. Đó là ít đi theo đoàn lớn, thay vào đó thích đi theo nhóm nhỏ, gia đình hoặc bạn bè. Điều này đòi hỏi điểm đến phải tái cấu trúc và đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ từng nhóm đối tượng cụ thể. Đại diện một doanh nghiệp du lịch phân tích: Chẳng hạn, một gia đình khi du lịch đến Việt Nam, người chồng thích chơi golf, người vợ muốn mua sắm, trong khi con cái lại cần các khu vui chơi, giải trí. Điều đó đặt ra yêu cầu về đầu tư hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ và quan trọng hơn là sự liên kết để cung ứng chuỗi sản phẩm trọn gói.

Vì khách du lịch golf thường không chỉ đến một điểm để chơi nên việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ là rất cần thiết. Huế hiện có nhiều lợi thế từ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa di sản, ẩm thực… Công tác xây dựng sản phẩm du lịch đã được triển khai từ nhiều năm. Tuy nhiên, với từng dòng khách, sản phẩm cần phải dựa trên nhu cầu thị trường, tức là “bán cái khách cần” chứ không phải “bán cái mình có”. Việc liên kết golf với các hoạt động du lịch chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, trải nghiệm ẩm thực hay khám phá văn hóa là hướng đi hợp lý, miễn là bắt kịp xu hướng và thị hiếu khách hàng. Song song đó, hoạt động tiếp thị, quảng bá cần được làm bài bản, chuyên nghiệp hơn, đồng thời hình thành các liên minh liên kết để kích cầu và thu hút khách.

Đây chính là thời điểm vàng để Huế xây dựng một chiến lược phát triển bài bản, gắn kết sản phẩm địa phương với loại hình du lịch golf cao cấp. Để tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cho điểm đến, khiến khách muốn chuyển hướng về Huế để du lịch kết hợp chơi golf, cần đảm bảo chất lượng toàn diện từ dịch vụ hàng không, lưu trú, điểm đến văn hóa, ẩm thực… Tất cả các bên liên quan cần cùng ngồi lại để nghiên cứu, xây dựng sản phẩm. Các bên có thể sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích ban đầu để tạo giá bán hấp dẫn nhất có thể, từ đó kích thích nhu cầu trải nghiệm của du khách.

Hữu Phúc

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/du-lich/gan-ket-san-pham-du-lich-golf-155527.html